Khối ngoại bán ròng 12 tháng liên tiếp trên HOSE, giá trị gần 50 ngàn tỷ đồng

Nối tiếp hành động của tháng trước, các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) tiếp tục bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 4, qua đó, đánh dấu 12 tháng liên tiếp khối này bán ròng, tập trung trên HOSE.

Theo thống kê của VietstockFinance cho thấy, khối ngoại đã bán ròng gần 5.9 ngàn tỷ đồng trên HOSE trong tháng 4. Lũy kế từ đầu năm 2024, con số này hơn 19.8 ngàn tỷ đồng. Trong 12 tháng bán ròng liên tiếp, tính từ tháng 4/2023, giá trị bán ròng lũy kế khoảng 49.6 ngàn tỷ đồng.

Trong chương trình Vietstock LIVE với chủ đề “Đọc vị kết quả kinh doanh quý 1/2024 và triển vọng kinh tế Việt Nam”, bà Đỗ Minh Trang – Giám đốc Trung tâm Phân tích – Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng có hai lý do khiến nhà đầu tư ngoại bán ròng thời gian qua. Đầu tiên là ở góc độ nhà đầu tư, khối ngoại mua khi thấy giá cổ phiếu rẻ, hấp dẫn và bán khi đạt được mục tiêu về lợi nhuận.

“Nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn luôn đưa ra các quyết định để sinh lời, mua thấp bán cao. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ở vùng định giá đã cao hay đã hợp lý, chúng ta sẽ phải quan sát và chấp nhận việc đó. Không có chuyện nhà đầu tư mua mãi được”, bà Đỗ Minh Trang nhận định.

Nguyên nhân thứ hai, chuyên gia ACBS cho rằng có thể liên quan đến áp lực tỷ giá. Áp lực tỷ giá gia tăng, trong 3 tuần đến 1 tháng có thể mất giá 3-5%,nếu giữ cổ phiếu chưa chắc đã được phần bù tỷ giá đó nên nhà đầu tư có thể bán ra cổ phiếu.

Yếu tố nữa là về sự luân chuyển của dòng vốn của các nhà đầu tư giữa các thị trường. Có những thị trường sẽ hấp dẫn hơn, như thị trường Trung Quốc đang thể hiện sự hấp dẫn. Nếu nhà đầu tư dựa trên định giá của cả thị trường chứng khoán của quốc gia đó, họ có thể luân chuyển dòng vốn.

Tuy nhiên, chuyên gia ACBS khẳng định, còn rất nhiều quỹ đầu tư gắn bó với các hoạt động của nền kinh tế Việt Nam. Việc bán ra cổ phiếu đơn giản là trạng thái ra vào của các nhà đầu tư, chúng ta theo dõi để có điểm cảnh báo giao dịch, không có nghĩa đây là câu chuyện làm thay đổi hoạt động của thị trường hay lợi nhuận doanh nghiệp.

“Khối ngoại bán cổ phiếu không có nghĩa là rời bỏ thị trường”, bà Đỗ Minh Trang nhấn mạnh.

Ở động thái ngược lại, khối ngoại mua ròng 778 tỷ đồng trên HNX trong tháng 4, gấp gần 11 lần tháng trước. Con số này cũng làm đảo chiều trạng thái lũy kế trong 3 tháng đầu năm từ bán ròng 480 tỷ đồng sang mua ròng 295 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2024.

Phía các ETF, phần lớn cũng ghi nhận giá trị bán ròng trong tháng qua. Theo báo cáo của Chứng khoán Yuanta, tính từ đầu tháng đến kết thúc ngày 19/04 (MTD), ETF SSIAM VNFIN LEAD (FUESSVFL) rút ròng 22.8 triệu USD, Ishares MSCI Frontier 100 và DB FTSE rút ròng lần lượt 19.6 triệu USD và 13.7 triệu USD…

Nguồn: Chứng khoán Yuanta. Đvt: Triệu USD

TTCK Việt Nam trong tháng 4 diễn biến kém tích cực, VN-Index dừng ở mức 1,209.52 điểm ở phiên giao dịch cuối của tháng, giảm 6% so với đầu tháng. Giới phân tích trước đó đã cảnh báo cần thận trọng hơn trong tháng 4 khi VN-Index đã có 5 tháng tăng liên tiếp từ tháng 11/2023 và thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, vắng bóng các tin tức hỗ trợ, chủ yếu xoay quanh ĐHĐCĐ và kết quả kinh doanh quý 1. Dòng tiền thường chọn giải pháp đứng ngoài quan sát.

Trên thực tế, thanh khoản của VN-Index có sự giảm sút, giá trị giao dịch trung bình phiên ghi nhận gần 21.7 ngàn tỷ đồng trong tháng 4, giảm 19% so với trung bình tháng 3. Thanh khoản suy giảm rõ nhất từ sau cú sụp bất ngờ ngày 15/04, VN-Index rơi gần 60 điểm (mức giảm sâu nhất trong vòng 2 năm qua kể từ ngày 12/05/2022), mồi lửa cho một tuần cháy sạch hơn 100 điểm của chỉ số.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tăng nóng tiếp tục là câu chuyện được thị trường thảo luận sôi nổi.

Theo ông Michael Kokalari, CFA – Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, nguyên nhân suy giảm của VND trong năm 2024 do các yếu tố gồm Đô la Mỹ (USD) bất ngờ tăng giá mạnh gần 5% so với đầu năm (đối với chỉ số DXY). Ngoài ra, giá vàng đã khoảng 16% trong năm nay (và 30% từ cuối năm 2022), cũng đang gây áp lực lên tỷ giá USD/VND do nhà đầu tư Việt Nam đẩy mạnh mua vàng, và việc mua vàng của người dân dẫn đến tăng lượng mua USD.

Báo cáo gần đây của Bank of America (BofA) cũng tỏ ra bi quan về hàng loạt đồng tiền châu Á, đang chịu ảnh hưởng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất và đồng USD tăng giá trở lại, bao gồm đồng tiền của Việt Nam.

Trong cuộc họp tháng 5 mới đây, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) – cơ quan ra chính sách của Fed – tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 5.25 – 5.5% khi cuộc chiến chống lạm phát dần trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, FOMC cũng quyết định giảm nhịp độ thu hẹp bảng cân đối kế toán mỗi tháng.

Trở lại với HOSE, cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh nhất, gần 2.8 ngàn tỷ đồng; xếp sau là chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFMVN DIAMOND ETF, bị bán ròng hơn 2 ngàn tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ khác là FUESSVFL cũng bị bán ròng mạnh hơn 570 tỷ đồng, xen giữa là cổ phiếu MSN.

Chiều ngược lại, MWG là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, con số này lớn hơn các cổ phiếu xếp sau là MBB, SBT, HPG, KDH, TCB cộng lại.

Trên HNX, PVS trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, lên đến 635 tỷ đồng, gấp gần 3 lần tổng giá trị mua ròng của 9 cổ phiếu xếp sau. Ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là TIG, hơn 22 tỷ đồng.

Duy Khánh

FILI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *