Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn rất thấp so với kế hoạch

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài còn rất thấp so với kế hoạch

Đến ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt gần 8.6% kế hoạch, trong đó hai bộ có tỷ lệ giải ngân trên 10% và tám bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024. 

Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024 – Ảnh; VGP/HT

Ngày 21/5, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024, thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp, bao gồm cả vốn vay nước ngoài như: Có công văn gửi các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024, nhập dự toán trên hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).

Đồng thời, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn làm việc với 2 Bộ (Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT) và 3 địa phương (Thanh Hóa, Huế và Đắc Lắc) để nắm bắt tình hình giải ngân và xử lý các vướng mắc về thủ tục giải ngân, thanh toán, các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; rà soát quy trình tiếp nhận hồ sơ và xử lý đơn rút vốn đảm bảo thời hạn ngắn nhất (tối đa 1 ngày làm việc đối với đơn thanh toán trực tiếp) và trả ngay cho các chủ dự án nếu hồ sơ chưa hợp lệ; trao đổi, làm việc với các nhà tài trợ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết, hiệu lực các hiệp định vay cho các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư…

Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 15/5/2024) của các địa phương vẫn khá thấp.

Năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 24,172.86 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 9,456.86 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là 14,716 tỷ đồng (51/63 địa phương). Tính đến 15/5/2024, tỷ lệ kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án đối với vốn đầu tư công ngân sách Trung ương (NSTW) là 91.7% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 84.2% kế hoạch vốn được giao.

Lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15/5/2024 là 5.7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại) cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4.9%. Mới có 5/53 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn NSTW cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

‘Điểm danh’ vướng mắc trong giải ngân

Tại Hội nghị, các bộ, ngành đã cùng thảo luận và xác định nguyên nhân giải ngân chậm, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chính như: chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong khâu đấu thầu, thiết kế kỹ thuật; dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay; chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với các hồ sơ…

Ngoài ra, trong các tháng đầu năm, một số bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2023 kéo dài. Theo ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Ban Quản lý dự án Word Bank (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện tại, đơn vị này đã phân bổ, nhập TABMIS xong dự toán vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024; đơn vị (Ban Quản lý Dự án World Bank) đã nhận được nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024 trên dịch vụ công là hơn 645 tỷ đồng.

Trong quá trình sử dụng nguồn vốn này, Đại học Quốc gia Hà Nội đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo yêu cầu từ Nhà tài trợ, một số hoạt động sau cần lấy ý kiến “Không phản đối – NOL” từ Nhà tài trợ trước khi triển khai thực hiện như: Kế hoạch tổng thể dự án, Kế hoạch hàng năm, Sổ tay vận hành dự án, Kế hoạch đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn vay nước ngoài, Đề cương nhiệm vụ đối với các đơn vị tư vấn đấu thầu, Hồ sơ mời thầu và Kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi ký kết hợp đồng đối với các gói thầu xem xét trước. Theo đó, thời gian triển khai các công việc này thường bị kéo dài do phải liên tục cập nhật, điều chỉnh trước khi Nhà tài trợ có thư “Không phản đối” gửi tới các đơn vị.

Ngoài ra, trong công tác thanh toán cũng gặp khó khăn do dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau. Điều này khiến kiểm soát công tác thanh toán mất rất nhiều thời gian do hồ sơ thanh toán được thẩm định, kiểm soát tại Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi gửi cho Nhà tài trợ thanh toán cho nhà thầu…

Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông và Vận tải) cũng chia sẻ, Bộ này hiện có lượng vốn ODA lớn nhất khi được giao 4,366 tỷ đồng vốn trong năm 2024. Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình giải ngân liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Điển hình như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vướng do đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1.5 năm. Do đó chi phí giải phóng mặt bằng thường bị tăng lên con số không nhỏ.

Tương tự, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 6 tháng đầu năm gần như không giải ngân được vốn ODA, do Bộ này “mắc” nhất trong việc thẩm định dự án, khó khăn trong việc tìm đơn vị thẩm định… Do đó, Bộ này dự kiến phấn đấu cả năm giải ngân được 350 tỷ đồng, còn 280 tỷ xin trả lại cho ngân sách.

Qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, Bộ Tài chính thấy nổi lên các vướng mắc. Thứ nhất, vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư. Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các công tác triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Có phát sinh vướng mắc về việc các dự án nhóm B sau khi địa phương hoàn thành thủ tục gia hạn giải ngân dự án (thuộc thầm quyền của HĐND tỉnh) thì phải thực hiện thủ tục gia hạn thời gian bố trí vốn (thẩm quyền của lãnh đạo Chính phủ).

Thứ hai, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân với nhóm vướng mắc này khá đa dạng bao gồm: Các vướng mắc trong khâu đầu thầu hoặc hợp đồng thương mại; vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc do điều chỉnh thiết kế; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán. Đây là những vướng mắc thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án.

Thứ ba, vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại). Năm 2024, có một số địa phương đã lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế, đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân.

Đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, cần thực hiện một số giải pháp.

Về phía Bộ Tài chính, phải bảo đảm thời gian xử lý đơn rút vốn đúng qui định; tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án; hướng dẫn rõ ràng hơn cho các đia phương về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án triển khai tại nhiều cơ quan.

Về phía các địa phương, cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước 30/6/2024 để phối hợp thực hiện.

Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương cần báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Bộ Tài chính cho rằng, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.

Các Ban quản lý dự án trung ương của các dự án do các bộ ngành làm cơ quan chủ quản cần có hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ, năng lực cho các ban quản lý dự án địa phương để đảm bảo dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Nhật Quang

FILI



  • giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài
  • Giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay


[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *