Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan: ECB có thể hạ lãi suất trước Fed
Với việc giá tiêu dùng hiện đã hạ nhiệt, các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể sẽ đi trước trong việc giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Sáu.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không cần phụ thuộc vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và có thể bắt đầu giảm lãi suất ngay trong tháng Sáu tới.
Ông Rehn khẳng định: “Mặc dù chúng tôi không xây dựng chính sách tiền tệ trong một môi trường biệt lập, nhưng ECB không phải là quận thứ 13 của Fed, cơ quan vốn được chia thành 12 khu vực.”
Quan chức này nhấn mạnh: “Hành động của Fed sẽ không quyết định việc ECB có hạ lãi suất hay không.”
Khi lạm phát bắt đầu tăng cao, Fed đã phản ứng nhanh hơn ECB bằng việc khởi động một loạt các đợt tăng lãi suất vào tháng 3/2022.
Sau một thời gian do dự ban đầu, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã “nối gót” vào tháng 7/2022, nâng lãi suất nhanh và mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).
Tuy nhiên, với việc giá tiêu dùng hiện đã hạ nhiệt, các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể sẽ đi trước trong việc giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Sáu.
Áp lực lạm phát dai dẳng ở Mỹ khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed không thể giảm lãi suất quá sớm. Nhưng ở khu vực Eurozone, ông Rehn nhận định “xu hướng giảm” của lạm phát và “đà tăng trưởng tiền lương chậm lại” đã tạo điều kiện cho việc bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất vào tháng Sáu.
Tuy nhiên, ông Rehn không chắc về khả năng ECB tiếp tục hạ lãi suất tại cuộc họp tháng Bảy.
Đã có những lo ngại rằng việc hạ lãi suất trước ở khu vực Eurozone có thể khiến đồng euro mất giá so với đồng USD, từ đó tiềm ẩn nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Nhưng ông Rehn cho biết chu kỳ kinh tế ở Mỹ và Eurozone không thể hoàn toàn đồng bộ, “đặc biệt là sau những cú sốc bất thường như đại dịch COVID-19 và căng thẳng Nga-Ukraine.”
Tuy nhiên, ông Rehn cho rằng sự khác biệt ngày càng tăng trong những diễn biến kinh tế giữa Mỹ và châu Âu là một “mối quan ngại lớn.”
Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn Eurozone suốt 25 năm, nhờ lợi thế về dân số và đà tăng năng suất cao hơn.
Cú sốc về giá do xung đột giữa Nga và Ukraine và việc nguồn cung khí đốt từ phương Đông giảm sút cũng thể hiện sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Chính vì vậy, theo ông Rehn, những nỗ lực hướng tới chuyển đổi xanh và số hóa là rất quan trọng đối với châu Âu./.
Khánh Ly
Nguồn: VietStock