Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy “đồng bạc xanh” đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường mới nổi.
Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Các thị trường tài chính thế giới đang đối diện với một kịch bản không hề được dự báo cho năm 2024. Đó là sức mạnh của đồng USD.
Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy đồng tiền này đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường mới nổi.
Công ty quản lý tài sản UBS Asset Management dự đoán đồng USD có thể còn tăng hơn nữa dù đồng tiền này hiện đã cao hơn 20% so với giá trị bình thường của nó.
Trong khi đó, Viện Đầu tư Wells Fargo đã từ bỏ các dự đoán đồng USD sẽ suy yếu trong năm nay và cho rằng “đồng bạc xanh” sẽ nới rộng đà tăng đến hết năm 2025.
Ông Ales Koutny, chuyên gia cấp cao của công ty quản lý tiền lớn thứ hai thế giới Vanguard Group Inc., cho rằng: “Nếu các nước khác không thể bắt kịp đà tăng trưởng và lạm phát của Mỹ, hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua vào đồng USD.”
Đồng USD mạnh lên nhờ một loạt các dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ không giảm tốc như nhiều người dự đoán. Thị trường lao động vẫn thắt chặt và hoạt động chế tạo tiếp tục mở rộng.
Tình trạng lạm phát cao kéo dài đã khiến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và nhiều nhà hoạch định chính sách muốn trì hoãn hạ lãi suất lâu hơn dự đoán.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams thậm chí còn đề cập đến khả năng phải tiếp tục tăng lãi suất.
Tất nhiên, sự mạnh lên của đồng tiền dự trữ của thế giới này sẽ tác động đến các đồng tiền và nền kinh tế khác.
Ấn Độ và Nigeria nằm trong số những nước có tỷ giá giảm về các mức thấp kỷ lục, trong khi Nhật Bản và Ba Lan đang có khả năng phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển như Australia, Khu vực Sử dụng Đồng tiền Chung Euro (Eurozone) và Anh có thể khó hạ lãi suất hơn.
Những nước có nhiều nợ nước ngoài, như Maldives và Bolivia, cũng như những nước phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, có thể sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất.
Trong bối cảnh các thị trường đã giảm các dự đoán về khả năng nới lỏng chính sách của Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã tăng mạnh trở lại trong những tuần gần đây, lên gần 5%.
Sự gia tăng này là một động lực lớn thúc đẩy sức hút của đồng USD. Ngoài ra, “đồng bạc xanh” cũng được hưởng lợi từ dòng tiền đổ vào cổ phiếu của Mỹ giữa cơn sốt Trí tuệ Nhân tạo.
Trái lại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã phát đi tín hiệu rằng ECB có thể hạ lãi suất vào tháng Sáu.
Còn tại Nhật Bản, khoảng cách tăng trưởng với Mỹ cách xa đến nỗi quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm của nước này cũng không thể ngăn đồng yen giảm xuống mức thấp nhất 34 năm.
Một yếu tố có lợi khác đối với đồng USD là vai trò trú ẩn an toàn của đồng tiền này trong những thời kỳ bất ổn về chính trị và tài chính.
Vai trò này được thể hiện rõ nét trong tuần qua, khi đồng USD tăng mạnh sau khi Israel phản công Iran./.
Khánh Ly