Nvidia phá kỷ lục – cơn sốt AI vẫn còn rất nóng

Nvidia phá kỷ lục – cơn sốt AI vẫn còn rất nóng

Việc hãng chip Nvidia vừa tiếp tục ghi nhận thêm một quí kinh doanh kỷ lục đã phát đi tín hiệu cho thấy sự bùng nổ của làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nvidia tiếp tục phá kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận

Các báo cáo vừa được công bố hôm thứ Tư tuần trước (22-5-2024) cho thấy, doanh thu của Nvidia trong quí gần nhất đã tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, lên 26 tỉ đô la Mỹ, trong khi lợi nhuận ròng cũng tăng hơn 7 lần, lên 14,88 tỉ đô la Mỹ. Cả hai con số đều là kỷ lục hàng quí của Nvidia và vượt mức kỳ vọng của giới phân tích.

Không chỉ vậy, ông Jensen Huang – Giám đốc điều hành của Nvidia – còn chia sẻ với giới phân tích rằng, nhu cầu đối với chip AI hiện tại của hãng, cũng như sản phẩm thế hệ tiếp theo dự kiến được tung ra thị trường vào cuối năm, vẫn rất cao. Những con chip do Nvidia sản xuất vẫn đang tiếp tục thúc đẩy làn sóng AI, biến đổi hầu hết các ngành công nghiệp lớn.

Những cú hích từ kết quả kinh doanh bùng nổ, triển vọng tích cực, và cả thông báo chia tách cổ phiếu của Nvidia đã giúp giá cổ phiếu công ty này tăng vọt hơn 15% trong cả tuần trước, lên mức 1.064,69 đô la/cổ phiếu. Tính chung trong vòng 12 tháng qua, giá cổ phiếu Nvidia đã tăng hơn gấp 3 lần, đưa định giá công ty vượt ngưỡng 2.000 tỉ đô la.

Dĩ nhiên, tốc độ tăng trưởng phi mã của Nvidia sẽ không thể duy trì được mãi, nhưng những con số trong ngắn hạn vẫn sẽ rất ấn tượng. Triển vọng doanh thu của công ty trong quí tài chính hiện tại được dự báo đạt khoảng 28 tỉ đô la, vượt mức dự báo trước đây của giới chuyên gia, và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con chip mới có tên gọi Blackwell, dự kiến sẽ có mức giá 30.000 đô la Mỹ và hứa hẹn tạo tiền đề cho doanh thu của Nvidia tăng mạnh hơn nữa.

Trong một lưu ý gần đây, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, sự giảm tốc này sẽ không phải là vấn đề lớn đối với cổ phiếu của công ty, bởi lẽ định giá của cổ phiếu Nvidia so với lợi nhuận của hãng là phù hợp với nhiều công ty lớn trong ngành.

Câu chuyện tăng trưởng đáng kinh ngạc của Nvidia đang tiếp tục mê hoặc giới đầu tư Phố Wall. Các chuyên gia phân tích của Benchmark đã nâng mục tiêu giá của cổ phiếu từ 1.000 đô la lên 1.320 đô la, trong khi các chuyên gia của Bank of America nâng mục tiêu giá từ 1.100 đô la lên 1.320 đô la. Đáng chú ý, Rosenblatt kỳ vọng cổ phiếu này có thể tăng lên tới 1.400 đô la, tức là cao hơn gần 33% so với mức giá chốt phiên hôm thứ Sáu (24-5).

Nhu cầu bùng nổ đối với các sản phẩm chip AI

Doanh số bán hàng của Nvidia đã tăng mạnh khoảng một năm trước, sau khi ChatGPT của OpenAI khiến cả thế giới ngạc nhiên với khả năng tạo văn bản giống con người. Các nhà phân tích cho biết, OpenAI đã sử dụng hàng ngàn chip AI của Nvidia để tạo ra ChatGPT, và có rất ít lựa chọn thay thế cho các hệ thống như vậy.

Kể từ đó, từ các công ty công nghệ lớn cho tới những công ty khởi nghiệp về AI đều ồ ạt mua chip của Nvidia, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Và theo ban lãnh đạo Nvidia, tình trạng này sẽ còn tiếp tục tồn tại trong cả năm nay và năm sau.

Các khách hàng quan trọng nhất của Nvidia trong mảng chip xử lý đồ họa (GPU) là các công ty cung cấp dịch vụ đám mây khổng lồ như Amazon Web Services, Microsoft Azure, Google Cloud và Oracle Cloud. Những khách hàng này chiếm khoảng 45% trong doanh số 22,56 tỉ đô la từ mảng trung tâm dữ liệu.

Ngoài ra, nhiều công ty khởi nghiệp về trung tâm dữ liệu GPU chuyên dụng cũng mua GPU của Nvidia để sử dụng trong các trung tâm dữ liệu, kết nối họ với Internet và sau đó cho khách hàng thuê theo giờ. Chẳng hạn, CoreWeave – một công ty cung cấp dịch vụ cloud GPU – hiện đang niêm yết giá 4,25 đô la/giờ để thuê một GPU Nvidia H100. Các công ty cần lượng lớn GPU này để đào tạo các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT của OpenAI.

Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Nvidia Colette Kress cho biết các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đang “ghi nhận tỷ suất lợi nhuận cao và ngay lập tức” từ khoản đầu tư vào các GPU này. Theo bà, nếu một nhà cung cấp dịch vụ đám mây chi 1 đô la cho phần cứng của Nvidia, họ có thể cho thuê với giá 5 đô la trong vòng bốn năm. Các phần cứng đời mới hơn của Nvidia thậm chí còn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Nhu cầu từ các tập đoàn lớn nhưng không cung cấp dịch vụ đám mây cũng rất đáng kể. Chẳng hạn như Tesla đã mua 35.000 chip AI H100 của Nvidia để đào tạo hệ thống tự lái trên các chiếc xe của hãng, trong khi Meta có kế hoạch đưa hơn 350.000 chip AI H100 vào hoạt động trong giai đoạn cuối năm nay.

Tiềm năng doanh thu của Nvidia được dự báo sẽ còn lớn hơn nữa, bởi một phân tích mới đây của Công ty Bernstein cho thấy, chi tiêu vốn của nhóm các hãng công nghệ lớn (big tech) dự kiến sẽ đạt ít nhất 200 tỉ đô la trong năm nay, và có thể đạt 1.000 tỉ đô la trong vòng năm năm tới. Một phần khổng lồ trong số tiền này sẽ được chi cho công nghệ AI và các trung tâm dữ liệu, vốn cần đến rất nhiều chip của Nvidia.

Wall Street Journal cũng cho biết, chỉ riêng Microsoft và Amazon đã phân bổ tổng cộng hơn 40 tỉ đô la cho các dự án trung tâm dữ liệu và công nghệ AI trên toàn thế giới trong năm nay. Trong khi đó, Alphabet và Meta Platforms dù mới chủ yếu tập trung đầu tư tại thị trường Mỹ nhưng cũng được dự báo sẽ tích cực mở rộng ra nước ngoài để bắt kịp với các đối thủ cạnh tranh.

Nvidia hướng tới làn sóng tăng trưởng tiếp theo

Bên cạnh nhu cầu bùng nổ của các hãng công nghệ lớn, Nvidia cũng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, mở rộng tệp khách hàng, bằng cách sản xuất máy tính, phần mềm và dịch vụ hoàn chỉnh – nhằm giúp nhiều tập đoàn và cơ quan chính phủ triển khai hệ thống AI của riêng mình.

Khi công bố báo cáo tài chính mới nhất, Nvidia nhấn mạnh rằng họ muốn bán công nghệ của mình cho một thị trường rộng lớn hơn – vượt ra ngoài phạm vi của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khổng lồ. Theo ban lãnh đạo Nvidia, công nghệ AI của hãng hiện đang hướng tới các công ty Internet tiêu dùng, nhà sản xuất ô tô và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những cơ hội này được đánh giá là sẽ tạo ra nhiều thị trường ngách với trị giá hàng tỉ đô la.

Một cơ hội lớn khác, hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu lớn cho Nvidia là ý tưởng AI có chủ quyền, tức là khả năng của một quốc gia trong việc phát triển AI bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng và hệ thống của riêng mình. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới ở Dubai vào đầu năm nay, ông Jensen Huang tuyên bố rằng mỗi quốc gia nên tạo ra chương trình AI của riêng mình – một chương trình được thiết kế đặc biệt dựa trên ngôn ngữ và văn hóa riêng của từng quốc gia để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của quốc gia đó.

Hiện nay, việc tập trung vào AI có chủ quyền đang bắt đầu diễn ra. Một ví dụ điển hình là Nhật Bản, khi chính phủ nước này mới đây cho biết sẽ đầu tư 740 triệu đô la vào AI thông qua quan hệ đối tác với các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng địa phương và Nvidia. Tại Ý, Swisscom đang xây dựng siêu máy tính Nvidia DGX đầu tiên của nước này với mục tiêu là phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để đào tạo bằng tiếng Ý. Một số quốc gia khác cũng công bố kế hoạch tương tự trong thời gian gần đây, báo hiệu rằng ý tưởng này đang có đà phát triển và mang lại nguồn doanh thu mới cho Nvidia.

Với quyết tâm giữ vững vị trí dẫn đầu trong ngành, Nvidia đã cố gắng đảm bảo nguồn cung chip dồi dào hơn. Theo các nhà phân tích, thời gian cần thiết để sản xuất chip AI H100 – loại chip tiên tiến nhất hiện có của Nvidia – đã giảm từ gần một năm xuống còn vài tuần.

Quan trọng hơn cả, Nvidia dự kiến sẽ tung loại chip AI thế hệ mới của mình ra thị trường vào cuối năm nay, sau khi cho ra mắt sản phẩm này tại một sự kiện hồi tháng 3. Những con chip mới có tên gọi Blackwell, dự kiến sẽ có mức giá 30.000 đô la Mỹ và hứa hẹn tạo tiền đề cho doanh thu của hãng tăng mạnh hơn nữa.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư tuần trước, ông Jensen Huang chia sẻ các lô chip Blackwell đang được sản xuất hết công suất để sẵn sàng giao tới tay khách hàng trong những quí tới và sẽ cung cấp nền tảng cho các hệ thống AI có thể xử lý hàng ngàn tỉ tham số. “Chúng ta sẽ chứng kiến Blackwell mang lại nhiều doanh thu trong năm nay”.

Bên cạnh đó, ông Jensen Huang cũng cho biết, công ty của ông sẽ tiến hành thiết kế chip mới hàng năm, thay vì hai năm một lần như trước, để phù hợp với nhịp độ phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ AI. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho làn sóng tăng trưởng tiếp theo”, ông tự tin tuyên bố.

Song Thanh (Theo Wall Street Journal, Pymnts, Fortune, Fool, Nasdaq, The Verge, CNBC)

TBKTSG

[ad_2]
Nguồn: VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *