Một cổ phiếu đang bị cảnh báo sắp chi gần 40 tỷ đồng cổ tức, Vinachem hưởng lợi lớn
CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển (HOSE: VAF) sắp chi gần 40 tỷ đồng cổ tức năm 2023, tương ứng tỷ lệ 10%, cao nhất kể từ năm 2019 bất chấp tình hình kinh doanh không quá khả quan, đồng thời cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo và bị cắt margin.
Trả cổ tức cao nhất 5 năm
Theo thông báo của VAF, cổ tức năm 2023 sẽ được chi trả theo tỷ lệ 10%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 1,000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/05, dự kiến thanh toán ngày 14/06.
Với gần 37.7 triệu cp đang lưu hành, ước tính VAF cần chi ra gần 37.7 tỷ đồng cho phần cổ tức này. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất VAF từng trả kể từ năm 2019.
Cổ tức bằng tiền những năm gần đây của VAF
Đvt: Đồng/cp
Nguồn: VietstockFinance
|
Tại thời điểm 31/03/2024, cổ đông lớn nhất đồng thời là công ty mẹ của VAF là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), với tỷ lệ sở hữu trực tiếp hơn 67%, dự kiến thu về hơn 25 tỷ đồng cổ tức. Cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Hoàng Ngân sở hữu 24.5% cũng sẽ thu về hơn 9 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của VAF tính đến ngày 31/03/2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Cổ phiếu vẫn thuộc diện kiểm soát
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu VAF vào diện cảnh báo kể từ 21/03, do xuất hiện ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định pháp luật.
Theo dữ liệu trên BCTC kiểm toán 2023 của VAF, tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH kiểm toán An Việt có nêu ý kiến và lý do ngoại trừ VAF chưa ghi nhận bất cứ khoản dự phòng tổn thất nào có thể phát sinh liên quan tới việc Giám đốc thẩm bản án và yêu cầu khởi kiện CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4 (HUD4).
Tại thời điểm đưa ra ý kiến ngoại trừ, VAF và HUD4 chưa ký lại hợp đồng thuê đất tại khu công nghiệp Bỉm Sơn liên quan đến dự án nhà máy sản xuất phân lân và phân bón NPK tại Thanh Hóa của VAF.
Nguồn: BCTC kiểm toán 2023 của VAF
|
VAF đã triển khai các thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm ngày 05/09/2022 của Tòa án Nhân dân (TAND) thị xã Bỉm Sơn. TAND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý đơn đề nghị của VAF.
Theo Nghị quyết HĐQT ngày 03/01/2024, VAF tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý để khởi kiện HUD4 ra TAND có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các chi phí đầu tư mà VAF phải chịu do hợp đồng thuê đất ký ngày 31/05/2013 bị TAND thị xã Bỉm Sơn tuyên vô hiệu; và việc dự án dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa của VAF bị Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kể từ ngày 18/05/2023.
Ngoài ra, trước đó vào ngày 12/03/2024, VAF còn bị HOSE bổ sung vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do BCTC kiểm toán 2023 có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2024 vừa qua, VAF mang về hơn 482 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ, nhưng sau cùng lãi ròng lại giảm 23%, còn hơn 15 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh VAF trong 1 năm qua | ||
Cho năm 2024, VAF đặt kế hoạch tổng doanh thu 1,054 tỷ đồng, tăng 5% và lãi trước thuế gần 52.2 tỷ đồng, giảm 32%. Về kế hoạch cổ tức, VAF dự chi bằng tiền theo tỷ lệ 7% (700 đồng/cp).
Trên thị trường, sau nhiều diễn biến không mấy ủng hộ, cổ phiếu VAF vẫn duy trì xu hướng tăng kể từ tháng 12/2022. Kết phiên hôm nay 22/05, giá VAF đạt 14,300 đồng/cp, tăng 3.6% so với đầu năm 2024 và thanh khoản trung bình khá thấp, chỉ khoảng 3.6 ngàn cp/ngày.
Giá cổ phiếu VAF từ khi niêm yết ngày 23/06/2015 | ||
CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó sản phẩm nổi bật là phân lân nung chảy và các loại phân NPK, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. |
Huy Khải
Nguồn VietStock