Luật Đấu giá tài sản: Nâng mức đặt trước tối thiểu lên 10% để hạn chế tình trạng bỏ cọc khi trúng đấu giá
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật Đấu giá tài sản đã quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc…
Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
|
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 – 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá. Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ1 khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này. Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại điểm d1 khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.
Về Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, dự thảo Luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 15 và điểm b khoản 5 Điều 17 là một trong những trường hợp không được cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề đấu giá nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, phù hợp với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4.
Về đăng ký tham gia đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 theo hướng việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản thông thường, không yêu cầu về điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức hành nghề đấu giá chỉ cần thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…
Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.
Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến, theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản…
Nhật Quang
Nguồn VietStock