Giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi thị trường

Giá cổ phiếu tăng cao khiến nhà đầu tư lo lắng, kích thích tâm lý lo lắng và gây ra làn sóng rút hàng tỷ đô la khỏi cổ phiếu và trái phiếu rác trong tuần qua.

Đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong đầu năm 2024 có vẻ sắp chệch hướng khi các nhà đầu tư từng thu về hàng nghìn tỷ đôla lợi nhuận kể từ cuối tháng 10 năm ngoái trên Phố Wall bắt đầu chốt lời.

Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, tầm ảnh hưởng của Fed ngày càng lớn và xung đột ở Trung Đông bùng phát, dòng tiền đang bị rút ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu rác với tốc độ nhanh nhất hơn một năm qua. Những nhà đầu tư chuyên bắt đáy cũng im ắng.

Kết quả, chỉ số S&P 500 liên tục giảm mỗi ngày trong tuần này, với giá cổ phiếu của 7 gã khổng lồ công nghệ hàng đầu giảm gần 8%. Biến động thị trường cũng lên cao.

Giảm liên tục 6 ngày bắt đầu từ ngày 12/04, S&P 500 đã ghi nhận chuỗi giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2022, và ghi nhận mức giảm hơn 5% cho đến thời điểm hiện tại của tháng 4. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm chứng kiến lợi suất nhanh chóng tăng lên trên 5% vào ngày 16/04, đồng nghĩa giá giảm.

Diễn biến đảo chiều này là do căng thẳng gia tăng. Đầu tiên là bằng chứng cho thấy lạm phát đã thay thế suy thoái kinh tế và trở thành “kẻ thù” chính của các ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh giá hàng hóa tăng vọt và dữ liệu kinh tế liên tục yếu ớt, các quan chức, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã khơi dậy hy vọng về việc xoay trục chính sách tiền tệ.

Kathryn Rooney Vera – Trưởng phòng chiến lược thị trường tại StoneX Group, cho biết đó chính là yếu tố kích thích xu thế phòng thủ.

“Trong một thế giới mà rủi ro địa chính trị leo thang, rủi ro giá hàng hóa tăng, rủi ro lạm phát cao, tôi nghĩ chúng ta phải thận trọng hơn trong việc phân bổ của mình. Tôi sẽ rút khỏi cổ phiếu vốn đang tăng cao vào thời điểm này, và tôi sẽ chuyển nó thành trái phiếu ngắn hạn đang có lợi suất cao”.

Trong bối cảnh trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng lên trên 4.6%, cao hơn khoảng 40 điểm cơ bản so với lợi nhuận cổ phiếu của S&P 500. Với khoảng cách đó, cổ phiếu bị đánh giá là kém thuận lợi nhất kể từ năm 2002.

Các nhà giao dịch trong tuần này đã cảm nhận được nỗ lực có chủ ý của các ngân hàng trung ương nhằm hạn chế đặt cược vào xu hướng nới lỏng trong tương lai.

Ông Powell cho biết vào ngày 16/04 rằng có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để tạo được niềm tin cần thiết đối với việc giảm lãi suất. Một ngày sau, thống đốc Fed Michelle Bowman cảnh báo lạm phát có thể đình trệ. Vào ngày 18/04, khi được hỏi liệu việc giữ lãi suất ổn định trong cả năm này có phù hợp hay không, chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari đã trả lời: “Có khả năng”.

Những bình luận này đã kích hoạt tâm lý bán tháo.

Theo Bank of America trích dẫn dữ liệu từ EPFR Global, 21.1 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ cổ phiếu trong hai tuần tính đến ngày 17/04, mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Theo dữ liệu từ LSEG Lipper, các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi trái phiếu rác với tốc độ nhanh nhất trong 14 tháng.

Dữ liệu môi giới hàng đầu của Goldman Sachs Group Inc. cho thấy các quỹ phòng hộ đã tăng cường vị thế bán khống trong các ETF của Mỹ với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022.

Kỳ vọng của thị trường về việc nới lỏng tiền tệ đã sụp đổ trong hai tuần qua, khi các nhà giao dịch dự đoán có chưa đến hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Con số này đã giảm so với đầu năm 2024 (là 6 lần).

Các nhà đầu tư ngày nay phải đối mặt với hàng loạt rủi ro mà trước đây họ đã nghĩ rằng mình có thể chấp nhận được nhờ thu nhập doanh nghiệp ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. S&P 500 đã tăng 16% kể từ khi Hamas tấn công Israel, 17% kể từ khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh vào năm 2023 và khoảng 20% kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất hai năm trước.

Tuy nhiên, tâm lý lo lắng về định giá đang hình thành trong hệ sinh thái chứng khoán, đặc biệt là Nasdaq 100, nhóm có 7 thành viên lớn nhất vừa chứng kiến đợt tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2022. Các công ty có vẻ rẻ hơn đã quay trở với hiệu suất vượt trội so với các công ty tăng trưởng cao nhờ AI.

Kim Dung (Theo Bloomberg)

FILI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *