Giảm 200 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên tệ nhất trong tháng 5/2024
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư (22/05), khi biên bản cuộc họp tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm tăng lo ngại về lạm phát kéo dài, cho thấy ngân hàng trung ương có thể không sớm hạ lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/05, chỉ số Dow Jones lùi 201.95 điểm (tương đương 0.51%) xuống 39,671.04 điểm. Đây là phiên tồi tệ nhất của chỉ số này trong tháng 5/2024. Chỉ số S&P 500 mất 0.27% còn 5,307.01 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.18% xuống 16,801.54 điểm.
Biên bản cuộc họp chính sách vào ngày 30/04 – 01/05 của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) công bố vào ngày 22/05 cho thấy sự thiếu tiến triển trong những tháng gần đây về mục tiêu giảm lạm phát. Biên bản họp cũng cho thấy “nhiều người tham gia” đã thảo luận về việc sẵn sàng nâng lãi suất nếu lạm phát không tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Nhà đầu tư cũng chờ đợi báo cáo lợi nhuận mới nhất của Nvidia. Cổ phiếu Nvidia mất 0.5% vào ngày thứ Tư trước khi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý được công bố sau khi khép phiên. Các chuyên gia phân tích đang kỳ vọng một quý mạnh mẽ nữa từ nhà sản xuất con chip. Dữ liệu LSEG cho thấy dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) và doanh thu của Nvidia lần lượt vọt 400% và 240%.
Theo Chiến lược gia Henry Allen của Deutsche Bank, thông báo lợi nhuận mới nhất của nhà sản xuất con chip đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch vĩ mô.
Ông Allen lưu ý rằng một ngày sau báo cáo lợi nhuận gần nhất của Nvidia vào tháng 2/2024, S&P 500 đã tăng hơn 2%, ghi nhận phiên tốt nhất trong hơn 1 năm.
Nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo để tìm gợi ý về việc đợt leo dốc công nghệ năm nay có thể tiếp tục hay không. Nasdaq Composite đã tăng gần 12% lên mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay.
Cổ phiếu Target sụt 8% sau kết quả lợi nhuận thấp hơn dự báo, với việc ban lãnh đạo công ty cho rằng xu hướng chi tiêu yếu hơn ở các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Những khó khăn của công ty bán lẻ này làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về chi tiêu của người tiêu dùng.
An Trần (theo CNBC)
Nguồn: VietStock