Gia hạn chính sách giảm thuế VAT: Động thái cần thiết thúc đẩy phục hồi kinh tế

Gia hạn chính sách giảm thuế VAT: Động thái cần thiết thúc đẩy phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đã được nhận định là một trong những biện pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Tại Kỳ họp thứ 7, phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 vừa diễn ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn từ Hải Dương đã chỉ ra rằng tăng trưởng tiêu dùng trong nước chậm đòi hỏi phải có những biện pháp kích cầu mạnh mẽ. Ông đề xuất một lộ trình rõ ràng cho việc tiếp tục giảm thuế VAT với kỳ hạn tối thiểu là một năm để tránh các điều chỉnh ngắn hạn và liên tục hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả kích thích kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân từ TPHCM cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục các chính sách giảm thuế, phí và tiền thuê đất. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thêm 2% thuế giá trị gia tăng như một giải pháp ngắn hạn. Tuy nhiên, việc áp dụng mức giảm thuế này chỉ giới hạn cho một số hàng hóa và dịch vụ đã dẫn đến nhiều vướng mắc. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng các chính sách giảm thuế do sự phức tạp trong việc phân loại hàng hóa, dẫn đến chi phí quản lý và tuân thủ cao hơn, cũng như gây ra sự chậm trễ trong nhiều hoạt động từ thực thi đến quản lý.

Nhớ lại, chính sách giảm thuế ban đầu được thiết kế để kéo dài 6 tháng, phù hợp với giai đoạn hồi phục đầu sau dịch. Tuy nhiên, thực tế là chính sách đã được gia hạn nhiều lần. Có chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế nếu kéo dài thì không còn hiệu ứng kích thích tốt như kỳ vọng, nhưng việc dừng gói giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong thời điểm hiện tại có thể gây sốc và làm giảm tốc độ phục hồi kinh tế.

Điều này đặt ra áp lực lớn cho các nhà thiết kế chính sách trong việc cân nhắc giữa việc tiếp tục gia hạn chính sách này để hỗ trợ kinh tế với việc đảm bảo tính hiệu quả của thuế như là công cụ điều tiết hành vi trong nền kinh tế.

Qua thảo luận và phân tích, việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT không chỉ là một lựa chọn khả thi mà còn là một bước đi cần thiết để bảo vệ quá trình phục hồi kinh tế đang dần ổn định. Quá trình này cũng tạo cơ hội để rút ra những bài học quý giá trong quản lý và thực thi chính sách, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ kinh tế trong tương lai. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và nhà thiết kế chính sách gặp khó không nhỏ trong việc phân tích tác động của chính sách giảm thuế VAT do thiếu hụt cơ sở dữ liệu đủ chi tiết, hạn chế khá nhiều khả năng thiết kế chính sách như kỳ vọng. Điều này kỳ vọng sẽ được tháo gỡ trong 6 tháng tới, để kịp thời có nghiên cứu phục vụ thiết kế chính sách cho năm 2025.

Giảm thuế giá trị gia tăng giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh – Ảnh: VGP

Giảm thuế thu nhập cá nhân là nới lỏng chính sách tài khóa, hỗ trợ phục hồi

Trong bối cảnh cải cách thuế đang được Quốc hội Việt Nam xem xét kỹ lưỡng, phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thủy từ Bắc Kạn về việc cập nhật mức giảm trừ gia cảnh đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đại biểu Trần Thị Quỳnh đến từ Nam Định. Bà Quỳnh đề nghị rằng Chính phủ nên áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa thông qua việc giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân và thúc đẩy tiêu dùng.

Đề xuất của bà Quỳnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh chính sách thuế để phù hợp với thực tiễn đời sống, qua đó không chỉ giúp người dân giảm áp lực tài chính mà còn khơi dậy nguồn lực kinh tế trong nước. Bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cả hai đại biểu đều đồng tình rằng các mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phù hợp và cần được điều chỉnh sớm hơn dự kiến để phản ánh đúng mức sống hiện tại của người dân. Việc áp dụng chính sách giảm thuế này không chỉ là một biện pháp kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với nhu cầu và khó khăn của người dân.

Trong bối cảnh luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, cần phải có sự điều chỉnh kịp thời mà không nên chờ đợi đến năm 2026. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không còn phản ánh chính xác chi phí sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế gần đây.

Tuy nhiên, cũng nhấn mạnh rằng để đảm bảo sự điều chỉnh này phù hợp và bền vững cho ít nhất năm năm tới, cần tiến hành một cách thận trọng. Rất quan trọng là phải chờ đợi ít nhất cho đến thời điểm mà cơ sở dữ liệu dân cư và lao động được cập nhật đầy đủ. Đây là một bước đi chiến lược bởi điều này sẽ cho phép các bên liên quan như Ngân hàng, Công an, và cơ quan Thuế liên thông dữ liệu để phân tích sức khỏe cũng như rủi ro tài chính của người dân, từ đó thiết lập một cơ sở vững chắc để tính toán mức giảm trừ gia cảnh phù hợp và đánh giá hiệu quả của chính sách điều chỉnh.

Ngoài ra, cần phải xem xét kỹ lưỡng tác động của các thay đổi chính sách đối với người chịu thuế và các bên liên quan như doanh nghiệp và nhà quản lý thuế. Đánh giá này phải tính đến hiệu quả liên quan vấn đề pháp lý, bao gồm các yếu tố như chi phí Tuân thủ, chi phí Thực thi, và Tác động của các quy định điều chỉnh.

Đặc biệt, cần chú ý đến yếu tố thời gian thích ứng với quy định mới – một chỉ tiêu quan trọng cho thấy mức độ linh hoạt và sự sẵn sàng của các bên liên quan trong việc áp dụng các quy định mới. Mục tiêu của thiết kế chính sách mới cần phải giảm thiểu thời gian này để nhanh chóng đạt được sự tuân thủ và tận dụng các lợi ích từ quy định mới. Với cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn, việc tính toán và dự báo cặn kẽ hơn thì các vấn đề nêu trên có thể đạt được.

Tóm lại, cải cách thuế thu nhập cá nhân là cần thiết và không thể trì hoãn. Tuy nhiên, mọi bước đi cần được tiến hành một cách có kế hoạch và dựa trên dữ liệu chính xác để đảm bảo hiệu quả và công bằng, đồng thời phải đảm bảo rằng các bên liên quan có đủ thời gian và nguồn lực để thích nghi với những thay đổi.

TS. Phạm Thị Thanh Xuân (Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM)

Báo Chính phủ

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *