Doanh nghiệp cao su thận trọng trong mục tiêu năm 2024
Các doanh nghiệp cao su hướng đến năm 2024 với tâm lý chung là thận trọng, thể hiện qua kế hoạch 2024 hầu hết tương đương hoặc sụt giảm so với năm 2023.
Trong số 8 doanh nghiệp cao su đã công bố chỉ tiêu năm 2024, gồm cả doanh nghiệp đã được ĐHĐCĐ thông qua và sắp trình ĐHĐCĐ, có sự trái chiều với 4 doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng và 4 doanh nghiệp đi lùi.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2024 của doanh nghiệp cao su
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
SRC đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất, doanh thu 2,000 tỷ đồng, tăng 62% so với thực hiện năm 2023, đóng góp chủ đạo từ hoạt động thương mại 1,030 tỷ đồng, còn lại 970 tỷ đồng đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Lãi trước thuế 100 tỷ đồng, tăng đến 256%.
Thực tế, những con số này đúng bằng kế hoạch năm 2023 mà SRC đã không thể hoàn thành. Tuy nhiên, nếu mọi thứ suôn sẻ theo dự định của SRC, kỷ lục doanh thu mới sẽ được xác lập, tính từ thời điểm niêm yết năm 2009, còn lãi trước thuế cũng chỉ thấp hơn con số 117 tỷ đồng năm 2009.
Cũng đặt kế hoạch tăng trưởng cao là CSM với lãi trước thuế tăng 14% lên 80 tỷ đồng; tuy nhiên, doanh thu dự tính giảm 9% còn hơn 5,024 tỷ đồng. Năm 2024, CSM dự tính không ghi nhận sản phẩm cao su bán thành phẩm, do không còn hợp đồng cung cấp loại cao su này cho đối tác Camso – công ty hàng đầu thế giới về sản xuất lốp xe nâng. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc CSM Phạm Hồng Phú tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cao su bán thành phẩm vẫn có đóng góp vào kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm cho CSM, do phía Camso chưa vận hành được hệ thống máy.
Theo tính toán, kế hoạch 2024 của CSM chỉ tương đương 64% kế hoạch năm 2023, phản ánh tâm lý thận trọng của ban lãnh đạo sau một năm nhiều khó khăn và không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Hai doanh nghiệp còn lại kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024 là BRR và GVR, lần lượt tăng 7% và 2% so với thực hiện 2023, nhưng giảm nhẹ 1% và tăng 2% so với kế hoạch 2023.
Ngược lại, 4 doanh nghiệp đặt kế hoạch đi lùi là DRC, DRI, SBR và HRC. Trong đó HRC dự kiến lãi ròng giảm đến 32%, còn gần 5.5 tỷ đồng, tương đương kế hoạch 2023.
Tương tự HRC, SBR và DRI đặt kế hoạch 2024 đi lùi lần lượt 40% và 21% so với thực hiện năm 2023 nhưng không khác biệt là mấy với kế hoạch của năm cũ.
DRC là trường hợp duy nhất đều sụt giảm khi so sánh với kế hoạch 2023 (giảm 14%) và thực hiện 2023 (giảm 7%). Cụ thể, cho năm 2024, DRC ước tính giá trị sản xuất công nghiệp 5,124 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện 2023; tổng doanh thu tiêu thụ 5,400 tỷ đồng, tăng 16% và kim ngạch xuất khẩu 146 triệu USD, tăng 16%; doanh thu thuần 5,151 tỷ đồng, tăng 15%; lãi ròng 228 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp vượt kế hoạch 2023 nhờ chủ động thận trọng
Trước diễn biến giá cao su giảm, năm 2023, tổng lãi ròng ngành cao su, săm lốp giảm 29% so với năm trước, còn khoảng 4,307 tỷ đồng, phần lớn do ảnh hưởng từ kết quả không khả quan của “ông lớn” GVR. Chỉ có 3 doanh nghiệp tăng trưởng lãi ròng, gồm HRC, SBR và SRC, còn lại 10 doanh nghiệp giảm lãi.
Kết quả lãi ròng các doanh nghiệp cao su, săm lốp năm 2023
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn hoàn thành kế hoạch năm 2023, nhờ đặt mục tiêu thận trọng. Một số khác không đạt do các con số mục tiêu quá cao.
Tình hình hoàn thành kế hoạch năm 2023 của doanh nghiệp cao su, săm lốp
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Xu hướng chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp
Giai đoạn 2021-2030, nguồn cung các khu công nghiệp (KCN) phía Nam phần lớn từ đất cao su. Tại tỉnh Đồng Nai, diện tích KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sử dụng đất cao su chuyển đổi đạt 6,760ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến 2025 và 2,000ha giai đoạn 2025-2030 (chiếm 48% tổng diện tích). Còn tại các tỉnh Đông Nam bộ khác như Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu, ước đạt lần lượt 3,084ha, 2,994ha và 3,933ha đến năm 2025.
Việc chuyển đổi đất cao su sang KCN sẽ giúp tạo nguồn cung mới trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các KCN phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đạt trên 93%.
Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành, GVR sẽ dẫn đầu quy mô giảm diện tích trồng cao su để chuyển đổi thành đất KCN. Trong các đơn vị thành viên của GVR, có thể kể đến PHR với KCN Tân Lập 1, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt diện tích 200ha cho giai đoạn 2021-2030; KCN Bắc Đồng Phú mở rộng diện tích 317ha và Nam Đồng Phú mở rộng 480ha của CTCP KCN Bắc Đồng Phú; KCN Bắc Đồng Phú (giai đoạn 3) diện tích 400ha và Nam Đồng Phú (giai đoạn 2) diện tích 900ha được bổ sung mới cho giai đoạn 2021-2030, cũng thuộc CTCP KCN Bắc Đồng Phú.
Chi phí đền bù đất trồng cây cao su cũng được dự báo tăng 30-50% so với chi phí các giao dịch trong quá khứ và áp dụng theo các phương pháp định giá từ Luật đất đai sửa đổi.
* Doanh nghiệp cao su nào hưởng lợi từ làn sóng chuyển đổi sang đất khu công nghiệp?
Huy Khải
Kế hoạch kinh doanh 2024
Nguồn VietStock