Trực tuyến
ĐHĐCĐ BSR: Hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể, cơ hội để tăng lợi nhuận
Ngày 23/05/2024, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại đại hội, Doanh nghiệp đặt mục tiêu kế hoạch hơn 95 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế gần 1,200 tỷ đồng.
Năm 2023, BSR báo cáo đạt sản lượng sản xuất trên 7.36 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 7.34 triệu tấn. Tổng doanh thu mang lại là hơn 150 ngàn tỷ đồng, cùng lãi sau thuế gần 8.8 ngàn tỷ đồng. Số tiền nộp Ngân sách Nhà nước là hơn 17.4 ngàn tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của BSR
|
NMLD Dung Quất đã không ngừng thiết lập giới hạn mới với 1,180 ngày vận hành liên tục. Nhờ đó, công suất trung bình cả năm 2023 đã đạt 111% (cao nhất từ trước đến nay) và hao hụt dầu thô trung bình cả năm là 0.11% thể tích, cũng là mức thấp nhất từ trước đến trước đến nay.
Nguồn: BSR
|
BSR đã điều hành linh hoạt công tác tiêu thụ sản phẩm, bám sát diễn biến thị trường, khối lượng hàng tồn kho và tiến độ nhận hàng của khách hàng để ứng phó kịp thời khi thị trường phát sinh tình huống bất lợi. Công ty cũng đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tối đa tiêu thụ dầu thô, nguyên liệu trung gian trong nước để tăng lợi ích của chuỗi liên kết trong ngành.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, triển khai các giải pháp tối ưu hóa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết giảm chi phí; đồng thời các giải pháp cải tiến thiết bị, công nghệ nhằm đảm bảo an toàn vận hành NMLD Dung Quất.
Tối ưu bảo dưỡng tổng thể, cơ hội gia tăng lợi nhuận
Năm 2024, NMLD Dung Quất thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5), do vậy nên chỉ tiêu sản xuất được đề ra là khoảng 5.7 triệu tấn; doanh thu kế hoạch hơn 95 ngàn tỷ đồng, nộp Ngân sách 11 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1,150 tỷ đồng.
Nguồn: BSR
|
Đáng chú ý, Doanh nghiệp cho biết hoàn thành TA5, đồng thời chu kỳ bảo dưỡng tổng thể cũng được giãn tần suất nhằm kết nối với Dự án Nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất đang được triển khai. Đây được xem là cơ hội để gia tăng lợi nhuận cho BSR.
Bên cạnh đó, chênh lệch dầu thô và thành phẩm (cracking spread) được nhận định sẽ duy trì ở mức khá trong năm 2024. Theo VNDIRECT, cracking spread của dầu diesel và nhiên liệu bay ở châu Á trong năm 2024 dự kiến sẽ lần lượt đạt trung bình 21 USD/thùng và 20 USD/thùng, so với mức trung bình lần lượt 23.5 USD/thùng và 22.5 USD/thùng trong năm 2023. Đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của BSR trong năm 2024.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, BSR cho biết đã xây dựng kế hoạch cụ thể như đảm bảo vận hành Nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả; linh hoạt, tối ưu trong việc điều chỉnh công suất Nhà máy, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường; thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, phân tích dự báo giá dầu, cung/cầu để xây dựng các kịch bản kinh doanh và các giải pháp ứng phó phù hợp; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu; tối đa tiêu thụ dầu thô, nguyên liệu trung gian trong nước; nghiên cứu sản xuất và xuất bán các sản phẩm mới nhằm tăng thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, BSR đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện hồ sơ rủi ro cho các Ban chức năng và danh mục chỉ số rủi ro chính (KRI) tương ứng, tiến tới hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro cho Công ty; hoàn thiện và vận hành hệ thống quản trị tài năng nhằm gìn giữ và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao; bám sát, tích cực làm việc với các cơ quan thẩm quyền để đưa cổ phiếu BSR niêm yết tại sàn HOSE khi đủ điều kiện. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá, phân tích hiệu quả các danh mục, dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là Dự án NCMR NMLD Dung Quất.
Về Dự án NCMR NMLD Dung Quất, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết việc tiếp cận vốn cho dự án đang khó khăn vì lãi vay đang rất cao. Do vậy, Doanh nghiệp đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31 ngàn lên 50 ngàn tỷ đồng (dự kiến tăng vốn dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu) để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đây là kỳ vọng để BSR có đủ nguồn vốn chủ phục vụ dự án, đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.
Một vấn đề đáng chú ý khác, BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3.1 tỷ cp (PetroVietnam nắm gần 2.9 tỷ cp) từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE. Dự kiến, hoạt động này sẽ được thực hiện trong năm nay. Việc chuyển niêm yết sang HOSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn, mang lại tiềm năng thu hút vốn cho BSR.
Thảo luận:
Kỳ vọng kết quả tốt trong quý 2, triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất
Kết quả kinh doanh quý 2 như thế nào? Cập nhật tiến độ dự án NCMR NMLD Dung Quất..
TGĐ Bùi Ngọc Dương: Đối với NMLD Dung Quất, trong quý 2 mất gần 1/2 thời gian để dừng máy. Đây là quyết định rất đúng đắn của nhà máy, vì đây là thời điểm giá xăng dầu, dầu thô, crack margin giảm. Đây là thời điểm thích hợp để tránh trường hợp bị lợi nhuận thấp hoặc lỗ do tồn kho. Ngoài ra, thời tiết ở miền Trung lúc này rất tốt, nên việc bảo dưỡng thuận lợi.
Tháng 4 vẫn dừng máy. Tháng 5 đã chạy lại. Crack margin đang cải thiện, nhưng giá dầu có xu hướng đáy. Chúng tôi dự báo tháng 5 là tháng đáy của thị trường xăng dầu, nhưng đây vốn là thông lệ của nhiều năm qua, không có gì bất thường. Crack margin dự báo sẽ phục hồi từ tháng 6 trở đi.
Dù chưa có số chính thức, nhưng chúng tôi kỳ vọng quý 2 sẽ có kết quả tốt nhờ vào crack margin tăng tháng 6, ở mức trung bình cao. Giá dầu thô vẫn đang cao so với kế hoạch.
Cập nhật tiến độ dự án NCMR NMLD Dung Quất?
Về dự án NCMR, dự án này đã được HĐQT phê duyệt đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể. Toàn bộ kế hoạch đấu thầu đang được triển khai rộng rãi, có thông báo trên website đấu thầu.
Dự kiến tháng 6 sẽ đóng gói thầu thiết kế kỹ thuật tổng thể – gói quan trọng để chuẩn bị hồ sơ mời thầu triển khai hợp đồng EPC.
Dự án bắt đầu được triển khai vào quý 2/2024. Năm nay sẽ chủ yếu tập trung giải ngân, số tiền khoảng 1,300 tỷ đồng. Phần lớn triển khai vào các gói thầu thiết kế, san lấp mặt bằng. Cao điểm giải ngân là 2025, các mốc giải ngân đầu tiên là phần ứng trước cho giai đoạn này.
Chia sẻ về cơ cấu dầu thô đầu vào, tỷ lệ bao nhiêu % nhập khẩu?
Về cơ cấu dầu thô, NMLD Dung Quất thiết kế 100% dầu trong nước. Nhưng sự suy giảm các năm gần đây, gần như toàn bộ lượng dầu thô trong nước được BSR bao tiêu, chiếm 70% công suất thiết kế. Phần còn lại và phần chênh sẽ được nhập khẩu từ quốc tế, với nguồn chủ yếu là Mỹ và các nước tại Tây Phi, Tây Á… Đây là các nguồn dầu tương đối phổ biến, đủ để Dung Quất đảm bảo nguồn cung.
TGĐ Bùi Ngọc Dương
|
PVN phải giữ nguyên tỷ lệ chi phối ít nhất đến năm 2025
BSR nằm trong nhóm các công ty được PVN nắm trên 50%. Lộ trình thoái vốn của PVN?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hội: Tỷ lệ sở hữu của PVN theo quyết định của Nhà nước là trên 50%. Thậm chí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2019, việc thoái vốn của PVN phải là dưới 50%.
BSR đã nỗ lực làm việc với các cổ đông chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là năm 2014-2015 đã làm việc với đối tác Nga, tiệm cận thời điểm ký được hợp đồng thoái vốn. Nhưng do một số vấn đề về chiến lược, tác động kinh tế-địa chính trị khiến đối tác Nga phải thay đổi kế hoạch. Do vậy, việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược chưa thực hiện được.
Đến năm 2020, tình hình dịch COVID-19 phức tạp. Trong quá trình ứng phó, BSR nhận được nhiều chỉ đạo rằng Công ty là đơn vị chủ chốt góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chúng tôi đứng trước việc đóng cửa nhà máy để chống dịch, nhưng vẫn chọn mở cửa để sản xuất. Sau đó, có chỉ đạo rằng PVN phải giữ nguyên tỷ lệ để đảm bảo sự chi phối, ít nhất đến năm 2025. Trong thời gian tới, BSR sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo chỉ đạo của cổ đông lớn.
Về việc thu hẹp đầu mối kinh doanh?
Với việc nhiều đơn vị đầu mối bị thu giấy phép năm qua, BSR đã lập tức kích hoạt quản trị rủi ro. Quý 2/2024, các đầu mối có nguy cơ cao đều thay đổi cơ chế hợp đồng, yêu cầu giao trả tiền trước hoặc có giải pháp phòng bị. Nhìn chung, có thể khẳng định BSR không có rủi ro về nợ xấu.
Đây cũng là một trong những vấn đề có thể gây ảnh hưởng. Nếu một đầu mối không tốt, chúng tôi phải chuyển sang đầu mối khác. Nhưng do nhu cầu xăng dầu trong nước vốn rất lớn, việc này không gây ảnh hưởng.
Dòng tiền 40,000 tỷ đồng, sẽ được dùng để đầu tư nhà máy. Số tiền này có thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu?
Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương: BSR đã dự thảo về phương án tăng vốn điều lệ, tăng từ 31,000 tỷ lên 50,000 tỷ, thông qua 3 hình thức phát hành cổ phiếu, nâng vốn thêm 60%. Nhu cầu vốn của BSR đang rất lớn từ 2024 trở đi, bao gồm dự án NCMR Dung Quất, và xây dựng thêm các kho, nguồn bể chứa dầu thô (dự kiến khởi công quý 3/2024 với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ) cùng một số dự án khác nữa.
Kết thúc thảo luận
Phát biểu sau phần thảo luận ĐHĐCĐ 2024, ông Lê Xuân Huyên – Phó Tổng Giám đốc của cổ đông lớn PVN đánh giá cao những kết quả BSR đã đạt được trong năm 2023, cũng như sự nỗ lực không ngừng của ban quản trị và toàn bộ CBCNV. Bên cạnh đó, ông Huyên nhấn mạnh rằng BSR là một doanh nghiệp quan trọng, vậy nên việc giữ lại tỷ lệ chi phối của doanh nghiệp Nhà nước là điều bắt buộc. PVN sẽ giữ nguyên tỷ lệ để đảm bảo thành công cho dự án NCMR NMLD Dung Quất, xuất phát từ lợi ích tổng thể của quốc gia.
Đại hội kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua.
Châu An
ĐHĐCĐ thường niên 2024
Nguồn VietStock