Chưa cần thiết áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo

Chưa cần thiết áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo

Một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng không nên áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo thời điểm này.

Sự việc doanh nghiệp (DN) đưa ra giá thầu gạo xuất khẩu thấp đang thu hút sự quan tâm của người dân, cộng đồng DN trong ngành những ngày qua.

Trao đổi với PLO, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng cần phải xem xét DN đưa ra giá gạo thấp là loại gạo gì, đồng thời xem xét việc giá thầu thấp có phải là chiến lược kinh doanh của DN hay không?

Việc DN đưa ra giá thấp dẫn đến hai tình huống. Nếu nhu cầu mua gạo trên thế giới tăng cao, DN đó sẽ thua lỗ do giá lúa trong nước tăng cao. Ngược lại, nhu cầu mua thấp hoặc nguồn cung tăng nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, DN vẫn có đơn hàng để giao.

“Việc đưa giá thầu thấp hay cao là quyền của DN. Tuy nhiên, giá thấp sẽ tác động đến công việc quản trị của cơ quan quản lý, nhà xuất khẩu và người nông dân. Bởi rất có thể đối tác mua hàng lấy đây làm căn cứ để hạ giá gạo của Việt Nam xuống thấp hơn, gây bất lợi cho người trồng lúa. Và rất có thể gây ra những tổn thương đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam” – ông Thuỷ chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay không nên áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo. Ảnh: AH

Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp được đề xuất là áp lại giá sàn xuất khẩu gạo. Giá sàn xuất khẩu gạo là giá xuất khẩu tối thiểu do Chính phủ đưa ra. DN không được xuất khẩu gạo với giá thấp hơn giá sàn tối thiểu này.

Chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng giải pháp giá sàn giúp xử lý linh hoạt vấn đề khi thị trường rất nóng, biên độ chênh lệch giá mua và bán quá lớn, nhiều đơn vị cùng cạnh tranh nhau, gây ảnh hưởng đến hình ảnh hạt gạo hoặc chiến lược phát triển hạt gạo Việt Nam. Khi đó, việc sử dụng giá sàn như là công cụ có tính chất điều tiết.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay thì không cần thiết để phải áp dụng giá sàn. Vì thị trường lúc này chỉ nóng mang tính chất thời điểm” – Chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cũng cho rằng hiện tại Việt Nam đang mở cửa là một quốc gia theo kinh tế thị trường nên việc áp giá sàn xuất khẩu gạo là không nên.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tân Long cũng lo ngại nếu Việt Nam áp giá sàn thì ngay lập tức giá nội địa sẽ giảm sâu. Như vậy người nông dân trồng lúa sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Không chỉ vậy, việc áp giá sàn sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, chi phí tốn kém cho DN, nảy sinh cơ chế xin – cho…

Vấn đề quan trọng nhất, bối cảnh hiện tại chưa đến mức để áp giá sàn cho xuất khẩu gạo. Sản lượng hai DN trúng thầu xuất khẩu với giá thấp là 90 ngàn tấn, chỉ chiếm rất nhỏ so với tổng sản lượng xuất khẩu gạo mỗi năm của Việt Nam khoảng 7-8 triệu tấn.

Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 5, trong đó hai DN Việt Nam trúng thầu 90 ngàn tấn. Công ty Lộc Trời trúng thầu 60 ngàn tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. DN còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30 ngàn tấn và là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các DN dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn.

Khối lượng 60 ngàn tấn còn lại thuộc các DN quốc tế sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 – 629 USD/tấn.

AN HIỀN

Pháp luật TPHCM

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *