Sau khoảng hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ngày 2-5, TAND TP Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Bị cáo Đỗ Anh Dũng là người duy nhất trong số 15 bị cáo trong vụ án này kháng cáo.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng được dẫn giải tới phiên toà sơ thẩm |
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho mình về việc hậu quả vụ án đã được khắc phục hoàn toàn, bị cáo đã nỗ lực nộp lại toàn bộ số tiền đã thu của các bị hại. Bản thân bị cáo cũng đã khai báo thành khẩn, ăn năn, hối hận và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Bên cạnh đó, tòa án cũng nhận được đơn kháng cáo của một số bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu được tính lãi suất trên số tiền mà họ bị chiếm đoạt.
Trước đó, sau gần 10 ngày xét xử, ngày 27-3, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù; Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng), Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, bị phạt 3 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo khác bị phạt từ án treo đến 30 tháng tù.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 6-2021, Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của COVID-19 nên “khó khăn về tài chính”, bị cáo Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Để phát hành được trái phiếu, ngoài việc các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, để chuyển 9 lô trái phiếu của 3 công ty Cung Điện Mùa Đông, Soleil và Ngôi Sao Việt (công ty con của Tân Hoàng Minh) sang Tập đoàn Tân Hoàng Minh để tạo giá trị “ảo” các gói trái phiếu. Từ đó, tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng.
Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Trong đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng có vai trò cao nhất, chỉ đạo xuyên suốt trong việc tạo dựng hồ sơ phát hành trái phiếu, hợp thức trái chủ sơ cấp, bán cho nhà đầu tư rồi sử dụng tiền không đúng mục đích phát hành.
Tất cả các bị cáo cũng được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như khắc phục hoàn toàn hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; hợp tác với cơ quan điều tra; nhân thân tốt… Một số bị cáo đủ điều kiện để hưởng án treo.
Về dân sự, Hội đồng xét xử cho hay có một số bị hại yêu cầu Đỗ Anh Dũng phải trả tiền lãi hoặc chi phí khác; chính bị cáo Dũng cũng đồng ý trả tiền lãi cho người mua trái phiếu trước thời điểm ông ta bị khởi tố.
Tuy nhiên, đây là vụ án hình sự nên Hội đồng xét xử không có căn cứ xem xét tính lãi hoặc thiệt hại khác không liên quan. Việc bị cáo Dũng nói sẽ trả lãi là việc tự nguyện của bị cáo, không thuộc thẩm quyền giải quyết trong vụ án này, nếu có yêu cầu sẽ được giải quyết trong vụ án khác.
Tòa sơ thẩm phân tích thêm, đáng lẽ phải buộc tất cả các bị cáo trong vụ liên đới bồi thường nhưng thực tế, số tiền thu được đều đưa về Tân Hoàng Minh, do Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng. Các bị cáo khác không liên quan.
Do vậy, tòa buộc Đỗ Anh Dũng phải bồi thường toàn bộ 8.643 tỉ đồng cho 6.630 bị hại. Số tiền 900 triệu đồng các bị cáo khác đã nộp là tình tiết giảm nhẹ cho họ nên tòa tuyên tịch thu xung công.
Nguyễn Hưởng