Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế đang phục hồi, tích cực qua từng tháng
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 diễn ra vào sáng 01/06, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 01/06. Ảnh: VGP. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình thế giới tháng 5 tiếp tục khó lường, do bất ổn chính trị leo thang tại Trung Đông, một số khu vực; và trái chiều giữa chính sách tiền tệ của Mỹ với các nền kinh tế lớn. Cùng đó, cạnh tranh về công nghệ, thương mại, tài nguyên giữa các nước lớn; biến động của thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới.
Trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh năng lượng được bảo đảm.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, tăng trưởng quý 1 của Việt Nam cao nhất ASEAN. IMF dự báo Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng cao nhất ASEAN và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á trong giai đoạn 2024-2029.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4.03% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2.78%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới, nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè. Đồng thời, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài.
“Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ”, Bộ trưởng nói, thêm rằng giải pháp điều hành giá cần phải thận trọng, kịp thời, hiệu quả.
Ông Dũng cũng thừa nhận thị trường bất động sản, giá vé máy bay còn bất cập. Một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa cắt giảm triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các bộ ngành sớm hoàn thành công việc để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7. Trung ương và địa phương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để áp dụng Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở sau khi được Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 1/8.
Cùng đó, các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cần được làm mới; khai thác tối đa các động lực mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tâm lý sợ sai, trách nhiệm chưa xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Do đó, theo Bộ trưởng, thể chế, pháp luật phải thay đổi theo hướng tăng phân cấp, quyền; khắc phục né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Nhiệm vụ trọng tâm của tháng 6 và quý 3/2024
Trên cơ sở tổng kết những kết quả đạt được, nhận diện, phân tích các hạn chế và dự báo rủi ro tiềm ẩn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tháng 6 và quý 3 như sau:
Một là, khẩn trương hoàn thành công việc để thực hiện chính sách tiền lương mới kể từ ngày 01/07/2024.
Hai là, khẩn trương ban hành, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ở cả Trung ương và địa phương để áp dụng Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sau khi được Quốc hội cho phép thi hành từ ngày 01/08/2024.
Ba là, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Bốn là, theo dõi chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó với các tình huống mới có thể phát sinh.
Năm là, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.
Tùng Phong
Nguồn VietStock