Kiếm được cả triệu USD nhờ tìm bạn hàng mới qua mạng

Kiếm được cả triệu USD nhờ tìm bạn hàng mới qua mạng

Các doanh nghiệp ngành gỗ – nội thất và dệt may đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo báo cáo mới nhất của nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Amazon, ngành may mặc và nội thất có sử dụng chất liệu gỗ của Việt Nam tiếp tục lọt vào nhóm 5 ngành hàng bán chạy trên Amazon trong suốt 5 năm qua.

Tìm bạn hàng mới trên không gian mạng

Dù không đưa ra một con số cụ thể nhưng ông Gijae Seong, CEO của Amazon Global Selling nói với chúng tôi rằng: “Khi xét trong nhóm 5 ngành hàng trên, thì số lượng doanh nghiệp Việt có doanh thu 1 triệu USD/năm chiếm tỉ lệ khá cao”.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cũng nhìn nhận, xuất khẩu trực tuyến đang mang lại doanh số tốt cho các doanh nghiệp nội thất và thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Một số nền tảng quốc tế như Amazon, Alibaba hay Wayfair… đang chứng kiến đà tăng về số lượng nhà bán Việt.

Ông Jimmy Wang, quản lý cấp cao về tìm kiếm nhà cung ứng Wayfair cho hay, thời gian qua rất nhiều nhà cung ứng Trung Quốc tìm mua nội thất Việt Nam và bán ra trên toàn cầu thông qua TMĐT.

Tương tự ở ngành dệt may, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình hình xuất khẩu trong những tháng đầu năm đang khá khả quan đạt hơn 10,4 tỉ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ.

Ngành này được dự báo có thể đạt mục tiêu cả năm 44 tỉ USD, khi doanh nghiệp đã đủ đơn hàng đến hết quý III và đang đàm phán cho quý IV.

Một trong những nỗ lực này, theo ông Cẩm đến từ việc các doanh nghiệp Việt nỗ lực tìm kiếm khách hàng đến từ các thị trường phi truyền thống và tham gia vào xuất khẩu trực tuyến qua TMĐT.

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc công ty TT Garment, đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm may mặc cho hay, dù phát triển cả thị trường truyền thống nhưng hiện nay 80% doanh thu của đơn vị đến từ việc xuất khẩu qua TMĐT Alibaba.com. Doanh thu từ thị trường này đã tăng gần 300% trong 10 tháng qua với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Thái Lan…

Ngành may mặc đang có nhiều nỗ lực trong phương thức tìm kiếm đơn hàng mới. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

 

Muốn bán được hàng cần nhiều nỗ lực

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xuất khẩu trực tuyến nhưng theo ông Phùng Quốc Mẫn và ông Trương Văn Cẩm, mức độ tham gia xuất khẩu qua TMĐT của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế khi phần lớn vẫn gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài.

Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu. Sức chống chịu của doanh nghiệp kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường.

“Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực nghiên cứu sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nâng cao năng lực vận hành kinh doanh online quốc tế. Các sản phẩm phải giảm phụ thuộc và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu và kỹ thuật của thị trường tiêu dùng quốc tế, nhất là vấn đề xanh hóa”- ông Mẫn nêu.

Lãnh đạo Amazon Global Selling cũng nhìn nhận, nếu nhà bán Việt chỉ chăm chăm vào giá bán và lợi thế nguyên liệu thì chưa thể đi xa được trên thị trường quốc tế.

“Để bước ra toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới cần kiềng 3 chân. Thứ nhất là năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương. Thứ hai là kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT.

Thứ ba là làm thương hiệu để tạo điểm nhấn khác biệt, nếu không sau thời gian rất ngắn, sản phẩm và thương hiệu sẽ dễ bị làm nhái, giả mạo”- ông Gijae Seong nói.

Hạ Quyên

Pháp Luật TPHCM

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *