Hé lộ tiền thuê mặt bằng khủng của Golden Gate, lớn hơn cả tổng tài sản hàng ngàn tỷ

Hé lộ tiền thuê mặt bằng khủng của Golden Gate, lớn hơn cả tổng tài sản hàng ngàn tỷ

CTCP Tập đoàn Golden Gate – doanh nghiệp đứng sau nhiều thương hiệu quen thuộc như Manwah, Gogi, Hutong, Vuvuzela… vừa trải qua năm 2023 khó khăn với lãi ròng giảm 79% so với cùng kỳ, chỉ hoàn thành 83% kế hoạch năm dù đã đặt mục tiêu thận trọng. Cuối năm, số lượng nhân viên Công ty giảm đến 2,713 nhân viên.

Kinh doanh sụt giảm, cắt giảm nhân viên

Năm 2023, Golden Gate mang về 6,289 tỷ đồng doanh thu, giảm 10% so với năm 2022. Đóng góp chủ đạo vẫn từ hoạt động bán thực phẩm và đồ uống, chiếm hơn 99% doanh thu). Sau khi khấu trừ giá vốn, Golden Gate lãi gộp hơn 3,963 tỷ đồng, giảm 8%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 7%, lên gần 3,344 tỷ đồng, chủ yếu do phải chi nhiều hơn cho việc thuê cửa hàng, bên cạnh tăng chi phí dịch vụ mua ngoài, phân bổ chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa; mua vật liệu, công cụ dụng cụ; chi phí quảng cáo.

Sau khi khấu trừ toàn bộ, Công ty lãi ròng gần 140 tỷ đồng, giảm đến 79%.

Kết quả kém tích cực trong năm 2023 chỉ giúp Golden Gate hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu gần 6,887 tỷ đồng và 83% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 167 tỷ đồng. Đáng nói, Công ty không hoàn thành dù đã chủ động điều chỉnh mục tiêu giảm lần lượt 1% và 75% so với thực hiện năm 2022.

Theo Golden Gate, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới có nhiều biến động, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, khiến cho doanh thu của nhiều công ty ngành bán lẻ bị ảnh hưởng lớn và Golden Gate không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, Công ty cho biết đây là khoảng thời gian củng cố hệ thống kinh doanh và vận hành, cũng như phát triển thương hiệu mới.

Trong năm 2023, Golden Gate ra mắt 12 thương hiệu mới theo nhiều phong cách ẩm thực khác nhau. Công ty cũng xây dựng và hoàn thiện nhà máy sản xuất thực phẩnm tại khu công nghiệp Thạch Thất, TP. Hà Nội; nhà máy khánh thành vào tháng 02/2024. Năm qua doanh nghiệp cũng đã đổi tên từ CTCP Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng sang CTCP Tập đoàn Golden Gate. Tính đến cuối năm, Tập đoàn có 9 công ty con và 2 công ty liên kết.

Về số lượng nhân viên, trong tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số lượng nhân viên tại thời điểm cuối năm 2023 của Golden Gate thấp hơn đến 2,713 nhân viên so với cuối năm 2022, còn lại 17,087. Dù giảm tương đối nhiều, nhưng chi phí nhân công lại không giảm không đáng kể, ghi nhận khoảng 1,533 tỷ đồng.

Một khoản chi phí khác cũng chiếm tỷ trọng cao là chi phí thuê cửa hàng hơn 934 tỷ đồng, tăng 22%. Được biết, trong năm 2023, Công ty đã mở thêm 56 nhà hàng, nâng tổng số lượng lên 506. Tuy nhiên, Công ty cũng thực hiện tái cơ cấu hệ thống chi nhánh bằng cách đóng cửa 39 chi nhánh tại các tỉnh thành, đưa các địa điểm kinh doanh trục thuộc về quản lý tập trung tại hai chi nhánh miền Bắc hoặc miền Nam.

Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2023 của Golden Gate

Đáng chú ý, nhóm Công ty Golden Gate đang thuê địa điểm, mặt bằng kinh doanh theo các hợp đồng thuê hoạt động. Cuối năm 2023, cam kết về tiền thuê tối thiểu phải trả trong tương lai tổng cộng gần 3,109 tỷ đồng, bao gồm hơn 916 tỷ đồng đến 1 năm, hơn 1,925 tỷ đồng từ 1-5 năm và gần 267 tỷ đồng trên 5 năm.

Cuối năm 2023, Golden Gate có tổng tài sản đạt 2,873 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm khoảng 26%, tương ứng 756 tỷ đồng, tăng 3%, chủ yếu là vay ngắn hạn ngân hàng.

Dư nợ vay lớn nhất của Golden Gate là tại Ngân hàng VietinBank chi nhánh Đống Đa hơn 209 tỷ đồng, thời hạn 3 tháng kể từ ngày giải ngân cho từng khoản vay, lãi suất 4 – 5.8%/năm, thanh toán hàng tháng. Khoản vay được đảm bảo bằng chính cổ phiếu của Công ty, thuộc sở hữu của CTCP Golden Gate Partners (cổ đông lớn trực tiếp sở hữu 43.5% vốn).

Tiếp tục tập trung dịch vụ nhà hàng ăn uống, mở rộng sang đồ uống, FMCG

Nhìn về năm 2024, Golden Gate cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào mảng dịch vụ nhà hàng ăn uống vốn là thế mạnh, đồng thời mang tới những nhãn hàng mới mẻ, độc đáo và chất lượng tới người tiêu dùng.

Trong năm 2023, Golden Gate đã ra mắt nhiều thương hiệu mới với các phong cách khác nhau, điển hình như thương hiệu Universal Tea trong mảng ăn uống, thương hiệu Union District phục vụ các món đồ Âu, Mak Mak với ẩm thực Thái Lan…Năm 2024, Golden Gate có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện những thương hiệu mới này nhằm hướng đến hoạt động ổn định và tiếp tục ra mắt thương hiệu mới đáp ứng xu hướng ẩm thực của người tiêu dùng.

Công ty cũng cho biết sẽ mở rộng sang các mảng đồ uống, FMCG và mở rộng địa bàn sang các thị trường mới.

Về đầu tư, kế hoạch nổi bật là việc dự kiến đưa vào hoạt động nhà máy thực phẩm và thương hiệu Golden Gate Foods, tập trung phát triển các sản phẩm mảng FMCG.

Golden Gate thành lập từ năm 2005, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vào năm 2008, hiện vốn góp của chủ sở hữu gần 78 tỷ đồng. Công ty được biết đến là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm lẩu, nướng, Á, Âu và quán cà phê.

Theo Golden Gate tự giới thiệu trên website, Công ty hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Các thương hiệu nổi bật được nhiều người biết đến như Manwah, Gogi, Hutong, Vuvuzela…

Nguồn: Golden Gate

Tại Golden Gate hiện nay, ông Trần Việt Trung giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Đồng hành cùng ông Trung còn có Tổng giám đốc Đào Thế Vinh và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Tường.

Huy Khải

FILI

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *