Doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy qua thời khó khăn

Doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy qua thời khó khăn

Sau năm 2023 nhiều bất ổn kéo theo kết quả kinh doanh suy giảm nghiêm trọng, các nhà kinh doanh ICT, CE khởi đầu năm 2024 với kết quả khởi sắc hơn và không ít doanh nghiệp đang tìm những hướng đi mới trong bối cảnh tiêu dùng thay đổi. 

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang kinh doanh sản phẩm ICT và CE (điện thoại di động và điện máy), có đến 4 doanh nghiệp gồm MWG, DGW, FRT và PET tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2024. Trường hợp sụt giảm duy nhất được ghi nhận tại PSD – công ty con của PET.

Kết quả tích cực giúp doanh nghiệp thực hiện đáng kể kế hoạch năm 2024, điển hình là MWGFRT.

Lãi ròng các doanh nghiệp trong quý 1/2024

Nguồn: VietstockFinance

MWG, FRT phục hồi thần tốc, nhiều điểm nhấn ngoài ICT, CE

Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) kết thúc quý 1/2024 với hơn 31.4 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Chuỗi Thế giới Di động đã bao gồm TopZone (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX), mang về tổng cộng 21.3 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 7%, động lực chính là ngành hàng điện máy. Kênh online đóng góp khoảng 3.5 ngàn tỷ đồng.

Chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) tăng 44%, lên hơn 9.1 ngàn tỷ đồng, động lực đến từ cả thực phẩm tươi sống và FMCGs. Bình quân mỗi cửa hàng đạt 1.8 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng. Kênh online đạt khoảng 135 tỷ đồng.

Sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, MWG lãi ròng hơn 902 tỷ đồng trong quý 1/2024, gấp hơn 42 lần cùng kỳ và cao nhất kể từ quý 4/2022.

Kết quả kinh doanh của MWG giai đoạn 2019-Q1/2024

Nguồn: VietstockFinance

Với Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT), doanh thu quý 1 đạt 9,042 tỷ đồng, tăng 17%; trong đó, doanh thu online đạt 1,555 tỷ đồng, tăng 10%.

Xét theo chuỗi, FPT Long Châu tăng trưởng 68%. Mỗi nhà thuốc mang về 1.2 tỷ đồng doanh thu/tháng, giúp đóng góp 61% tổng doanh thu. Còn với FPT Shop đạt 3,583 tỷ đồng, giảm 21%.

Điểm nhấn quý 1 đến từ việc FRT lãi ròng gần 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 5 tỷ đồng. Công ty cho biết, tỷ lệ lãi gộp của chuỗi FPT Shop tăng lên, chi phí tài chính giảm và CTCP Dược phẩm Long Châu tiếp tục mở rộng nhà thuốc, tăng trưởng doanh thu.

Kết quả kinh doanh của FRT giai đoạn 2019-Q1/2024

Nguồn: VietstockFinance

Doanh nghiệp bán buôn trái chiều

Không có kết quả đồng pha như nhóm bán lẻ, các doanh nghiệp bán buôn diễn biến trái chiều.

Doanh thu Thế Giới Số (HOSE: DGW) tăng 26%, lên 4,985 tỷ đồng. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng tăng 53%, thiết bị văn phòng tăng 48%, điện thoại di động tăng 29%, thiết bị gia dụng tăng 27% và máy tính xách tay & máy tính bảng tăng 4%. Xét về tỷ trọng, điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính bảng dẫn đầu, chiếm 72% doanh thu. Sau cùng, DGW lãi ròng hơn 92 tỷ đồng, tăng 16%.

Kết quả kinh doanh của DGW giai đoạn 2019-Q1/2024

Nguồn: VietstockFinance

Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HOSE: PET) đạt doanh thu khoảng 4,270 tỷ đồng, nhỉnh hơn đôi chút so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng trong kỳ tăng mạnh hơn 20%, lên hơn 82 tỷ đồng. Không còn lỗ nặng từ hoạt động tài chính, bên cạnh việc có thêm lợi nhuận khác nên dù hoạt động kinh doanh cốt lõi không cải thiện, PET vẫn lãi ròng hơn 35 tỷ đồng, tăng 8%.

Kết quả kinh doanh của PET giai đoạn 2019-Q1/2024

Nguồn: VietstockFinance

Không như PET, công ty con do PET sở hữu trực tiếp 79.93% là Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) lại có quý 1 sa sút với doanh thu gần 1,457 tỷ đồng, giảm 21%. Điểm sáng là hoạt động tài chính lãi gần 4.4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 14.7 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi ròng PSD chỉ còn giảm 9%, ghi nhận hơn 20 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của PSD giai đoạn 2019-Q1/2024

Nguồn: VietstockFinance

Doanh nghiệp bán lẻ đạt phần lớn kế hoạch năm

Với kết quả khả quan trong quý 1/2024, 2 ông lớn bán lẻ – MWGFRT đều thực hiện đáng kể kế hoạch năm. MWG đạt 25% mục tiêu doanh thu và 38% lợi nhuận. Con số này của FRT là 24% và 71%. Lưu ý rằng MWG vừa trải qua một năm lợi nhuận thấp nhất thập niên còn FRT có năm đầu tiên thua lỗ kể từ khi niêm yết. Do đó, cả 2 đều thận trọng với định hướng 2024.

Không riêng nhóm bán lẻ, các doanh nghiệp bán buôn cũng đưa kế hoạch 2024 phản ánh kỳ vọng hồi phục so với kết quả 2023, nhưng cũng dè chừng, không quá lạc quan như năm trước – thời điểm doanh nghiệp chưa hoàn toàn đánh giá hết các diễn biến xấu có thể xảy ra.

Tại nhóm bán buôn, dù là doanh nghiệp duy nhất giảm lãi, PSD vẫn đi được 1/4 mục tiêu lãi sau thuế; còn PETDGW đều đạt chưa đầy 1/5.

Tình hình thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp sau quý 1/2024

Nguồn:VietstockFinance

Nhiều doanh nghiệp tìm lối đi mới

Nhận định về năm 2024, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đánh giá khó khăn vẫn còn tiếp diễn.

Thành viên HĐQT MWG Đoàn Văn Hiểu Em dự báo ngành ICT và CE trong quý 2 vẫn không mấy khả quan, nhưng tự tin chuỗi TGDĐ và ĐMX sẽ có sự khác biệt, do hiệu ứng “nước chảy về chỗ trũng”. Với CE, năm nay mùa nóng đến sớm và dự kiến kéo dài hơn hàng năm, đồng thời nhu cầu sản phẩm giải nhiệt như máy lạnh, điều hòa, quạt mát, tủ lạnh sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Câu chuyện kỳ vọng của MWG không dừng lại ở ICT và CE, bởi BHX cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Theo Tổng Giám đốc BHX Phạm Văn Trọng, BHX đang trên lộ trình hướng đến đóng góp lợi nhuận cho Tập đoàn ngay trong năm 2024.

Tổng Giám đốc FRT Hoàng Trung Kiên cũng dự báo thị trường ICT năm 2024 còn nhiều bất ổn và đi ngang; mảng điện máy sẽ được đẩy mạnh nhưng đang không chiếm nhiều tỷ trọng doanh thu của chuỗi FPT Shop.

Chủ tịch FRT Nguyễn Bạch Điệp nói về định hướng trở thành một công ty chăm sóc sức khỏe (healthcare). Bà nhấn mạnh đây là mảng rất lớn và tiềm năng. Để thực hiện chiến lược này, Công ty dự tính huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ, tỷ lệ 10%.

Chủ tịch DGW Đoàn Hồng Việt cho biết, đóng góp của mảng điện thoại và máy tính vẫn là chủ đạo, nhưng tỷ trọng giảm dần qua thời gian, chủ yếu do các mảng khác tăng trưởng mạnh hơn. Ông Việt cho biết thêm, ngành hàng ICT đã vận hành nhiều năm qua, khá hoàn thiện các kênh và sẽ chỉ tiếp tục bổ sung các sản phẩm để tận dụng tốt hơn kênh phân phối. Tầm nhìn đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp mảng ICT của DGW có thể giảm về còn 65%.

Huy Khải

FILI

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *