Tỷ giá đã qua “cơn sóng gió” nhưng vẫn là áp lực của doanh nghiệp

Tỷ giá đã qua “cơn sóng gió” nhưng vẫn là áp lực của doanh nghiệp

Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt, song chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

Tỷ giá đã qua “cơn sóng gió” nhưng vẫn là áp lực của doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Áp lực từ đồng USD đã vơi đi phần nào nhưng chưa đủ làm hạ nhiệt “sức nóng” của tỷ giá trong nước. Giới chuyên gia cho rằng dù được kỳ vọng hạ nhiệt nhưng biến động tỷ giá vẫn sẽ là bài toán đầy thách thức với các doanh nghiệp.

Áp lực tỷ giá đang giảm dần

Tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt từ ngày 16/5. Khi đó, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 25.152 đồng/USD, bán ra 25.452 đồng/USD, giảm mạnh 30 đồng so với hôm 15/5.

Các ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, MB, Sacombank, TPBank, Eximbank cũng có mức giảm từ 30-35 đồng/USD (mua vào-bán ra).

Dù vậy, phiên ngày 20 và 21/5 tỷ giá tại các ngân hàng lại đảo chiều tăng nhẹ. Cụ thể, phiên sáng nay (21/5) ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV niêm yết từ 25.263-25.463 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 4 đồng so với chốt phiên trước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế-tài chính của Think Future Consultancy đã chỉ ra điều đặc biệt ở mấy phiên gần đây, các ngân hàng lại tăng mạnh giá mua vào. Điển hình là Vietcombank đã đẩy giá mua vào ở mức 25.263 đồng/USD, tăng 111 đồng so với phiên ngày 15/5 và các phiên trước đó. Điều này đã tạo đỉnh mới cho giá mua vào ở thời điểm này. Tính từ đầu năm tỷ giá tại ngân hàng này đã tăng 4,86%.

Nhưng bất ngờ trong ngày thứ Sáu (17/5) Ngân hàng Nhà nước lại giảm tỷ giá trung tâm về 24.239 đồng, khiến tỷ giá bán ra của Vietcombank giảm về 25.450 đồng. Chênh lệch mua vào bán ra vì thế bị kéo giảm xuống còn 230 đồng, trước đó chênh lệch này là 330-370 đồng.

“Thông thường khi biến động tỷ giá tăng, chênh lệch mua vào-bán ra cũng tăng để bù cho rủi ro biến động lên xuống. Chênh lệch mua vào-bán ra giảm sẽ làm các ngân hàng thương mại khó đưa ra quyết định mua bán, vì vậy giảm thanh khoản giao dịch ngoại hối,” ông Linh phân tích thêm.

Cũng theo ông Linh, mức trần 5%, tương ứng 25.450.95 đồng cũng nhỉnh không đáng kể so với giá bán từ dự trữ của Ngân hàng Nhà nước (25.450 đồng/USD). Điều này có nghĩa là nếu các ngân hàng mua dự trữ về bán lại thì gần như không có lãi. Giảm tỷ giá trung tâm là một động tác làm giảm nhu cầu mua USD từ dự trữ ngoại hối.

“Đây rất có thể là bước đi tạm thời của Ngân hàng Nhà nước để thăm dò thị trường, giảm bớt hao tổn dự trữ trong khi chờ thêm các tín hiệu cung cầu và lãi suất mới,” ông Linh nhấn mạnh.

Một loạt động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như hút bớt tiền VND trên thị trường liên ngân hàng qua kênh phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ giao ngay… đã hỗ trợ tỷ giá ổn định hơn. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia cũng cho rằng một loạt động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như hút bớt tiền VND trên thị trường liên ngân hàng qua kênh phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ giao ngay, đẩy nền lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lên mức xấp xỷ với lãi suất USD… đã hỗ trợ tỷ giá ổn định hơn.

Như vậy, với sự can thiệp chủ động, linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi trải qua một tháng 4 khá căng thẳng, tỷ giá hiện duy trì trạng thái khá ổn định.

Doanh nghiệp vẫn bị “chóng mặt” vì tỷ giá

Các chuyên gia nhận định, dù tỷ giá giảm nhẹ so với mức đỉnh nhưng tính từ đầu năm đến nay tỷ giá vẫn tăng khá cao và sức ép tỷ giá vẫn còn không nhỏ.

Bản tin thị trường vừa cập nhật của Dragon Capital cho thấy trong tháng Tư, các đồng tiền của châu Á có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023 sau tác động tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất và sự ngược chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

“Tình trạng buôn lậu vàng và đầu tư tiền mã hóa là những yếu tố trong nước gây áp lực lên tỷ giá, bên cạnh yếu tố khác như mùa cao điểm trả cổ tức, chênh lệch âm lãi suất VND/USD và hoạt động đầu cơ USD… Những yếu tố trên đã dẫn đến việc VND mất giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã có hành động can thiệp bằng cách thu hẹp chênh lệch lãi suất và triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng,” Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital phân tích.

Có thể thấy, biến động tỷ giá thời gian qua tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tỷ giá. Theo đó, Tập đoàn có tỷ trọng nguyên liệu đến từ nguồn nhập khẩu khá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa. Mặt khác, doanh nghiệp vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, phải trả lãi và nợ gốc bằng USD hằng kỳ. Tại báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá ròng hơn 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lãi 68 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 với khoản lỗ lên tới 652 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 621 tỷ đồng. EVNGENCO3 ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá giảm từ 183 tỷ đồng xuống 22 tỷ đồng khiến doanh thu tài chính giảm từ 251 tỷ xuống 91 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh từ 1,3 tỷ đồng lên 636 tỷ đồng khiến chi phí tài chính nhảy vọt từ 586 tỷ đồng lên 1.243 tỷ đồng. Về nợ vay, doanh nghiệp này vẫn còn 34.500 tỷ đồng nợ, bao gồm 5.360 tỷ đồng vay ngắn hạn và 29.187 tỷ đồng vay dài hạn.

Tỷ giá tăng vẫn là áp lực của doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) lưu ý, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

Cũng theo bà Thủy, về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học…

Ông Ðào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hạn chế những biến động quá mức của đồng Việt Nam, cho phép tỷ giá biến động linh hoạt để hỗ trợ hấp thu các cú sốc từ bên ngoài, hướng đến ổn định tâm lý, hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô, nhất là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại. Ngân hàng Nhà nước đặt hai mục tiêu là ổn định chứ không cố định tỷ giá và bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không phải là âm./.

Thúy Hà

Vietnamplus

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *