Sức mạnh đồng USD trên thị trường quốc tế gia tăng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sức ép lên giá USD ngân hàng trong những ngày qua.
Sau khi vượt mốc lịch sử vào ngày 15/03/2024, giá bán USD ngân hàng tiếp tục thiết lập đỉnh mới.
Ghi nhận vào lúc 13h45 ngày 03/04, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank tăng thêm 70 đồng/USD ở cả 2 chiều so với hôm qua (02/04), lên mức 24,750 đồng/USD (mua vào) và 25,120 đồng/USD (bán ra).
Tính chung trong hơn 3 tháng qua, tỷ giá USD tại ngân hàng đã tăng 700 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán, tỷ lệ tăng tương đương 2.87% so với đầu năm.
Hồi giữa tháng 10/2022, tỷ giá USD tại Vietcombank lập đỉnh ở mức 24,692 đồng/USD (mua vào) và 24,872 đồng/USD (bán ra). Đây cũng là giá USD cao nhất mà Vietcombank niêm yết từ năm 2000 đến nay.
Như vậy, giá USD ngân hàng hiện đã vượt 58 đồng/USD ở chiều mua và 248 đồng/USD ở chiều bán so với mức đỉnh lịch sử năm 2022.
Tỷ giá USD tại ngân hàng liên tục phá đỉnh lịch sử trong bối cảnh giá USD trên thị trường tăng mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc hạ lãi suất.
Diển biến USD-Index trong 5 năm qua
Nguồn: tradingview
|
Trên thị trường quốc tế, USD-Index tăng gần 1 điểm sau hơn 1 tháng, lên mức 104.79 điểm. Đây là mức cao nhất của chỉ số trong hơn 3 tháng qua.
Giá USD nhảy vọt vào tuần cuối tháng 3 sau cuộc họp chính sách của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan ra quyết định của Fed – quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5.25-5.5%, là mức cao nhất trong 23 năm.
Thêm vào đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 2 – loại trừ thực phẩm và năng lượng – tăng 2.8% so với cùng kỳ và tăng 0.3% so với tháng trước. Cả hai con số này đều khớp với dự báo của các chuyên gia. Hồi tháng 1/2024, PCE lõi cũng tăng 2.8% so với cùng kỳ.
Sau khi công bố dữ liệu PCE, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh lại sẽ không hạ lãi suất đến khi các quan chức chắc chắn lạm phát đang hướng về mục tiêu 2%.
Trong khi áp lực giá USD thế giới gia tăng, biện pháp hỗ trợ giảm áp lực đầu cơ tỷ giá ngắn hạn bằng cách thu hẹp chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa đồng VND và USD đang có dấu hiệu kết thúc.
Diễn biến bơm hút ròng nghiệp vụ OMO theo ngày. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo đó, sau chuỗi thời gian liên tục chào bán tín phiếu từ ngày 11/03-01/04, quy mô tín phiếu lên đến 171,700 tỷ đồng, NHNN đã không tổ chức chào bán tín phiếu NHNN trong ngày 02/04. Chẳng những vậy, nhà điều hành còn hỗ trợ thanh khoản ngược lại qua thị trường mở (OMO), khi mua hơn 5,952 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4% từ 1 tổ chức tín dụng.
Ngày 03/04, NHNN tiếp tục mua hơn 2,513 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, lãi suất trúng thầu 4% từ 1 tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, nhà điều hành chỉ phát hành 300 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu 1.9%.
Theo các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI, số liệu về cán cân thương mại hay FDI giải ngân trong tháng 3 tích cực. Dù vậy, diễn biến tỷ giá kém tích cực do áp lực trên thị trường quốc tế vẫn rất mạnh và NHNN có thể phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hạ nhiệt nhu cầu về USD.
Tỷ giá tác động ra sao đến thị trường chứng khoán?
Từng có chia sẻ về vấn đề tỷ giá hồi đầu tháng 3/2024, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS cho biết tỷ giá là một trong những yếu tố tác động khá rõ đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt trong trường hợp tỷ giá biến động quá 2.7-3% có thể tạo ra nhịp điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán.
Ông Sơn cho biết các yếu tố tác động đến tỷ giá trong những tháng đầu năm đến từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao. Yếu tố thứ hai có thể đến từ chênh lệch tại những tài sản như vàng. Thời gian qua, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang ở mức khá cao, tạo nhu cầu rất lớn để nhập khẩu vàng, trong đó có vàng trang sức, vàng nhẫn. Đây cũng là yếu tố khiến nhu cầu USD tăng cao trong thời điểm ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng đến tỷ giá.
Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại
Chia sẻ tại tại chương trình Vietstock LIVE với chủ đề “Các rủi ro của thị trường” tổ chức chiều 29/03, bà Ngô Thị Lệ Thanh – Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định tỷ giá USD/VND tăng nóng do USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn kỳ vọng; Fed vẫn duy trì mức lãi suất cao và dự kiến giảm lãi suất chậm hơn kỳ vọng; các nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên; đầu cơ và găm giữ USD tăng cao đã gây áp lực lên tỷ giá trên thị trường “chợ đen”. Cùng đó là tác động từ đà tăng mạnh của giá vàng khiến người dân có tâm lý chuyển sang mua USD.
Tuy nhiên, quan điểm của bà Thanh cho rằng tỷ giá sẽ không áp lực như trước khi nhìn vào chỉ số DXY tăng nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn năm 2022 và 2023, điều này cho thấy áp lực tăng DXY vẫn còn hiện hữu nhưng không quá căng thẳng. Bên cạnh đó, việc NHNN hút tiền trên thị trường mở thông qua kênh tín phiếu, quy mô tới 164,000 tỷ đồng (tính đến ngày 27/03). Ngoài ra, Việt Nam duy trì xuất siêu tích cực 8.08 tỷ USD trong quý 1/2024, là mức khá cao so với những năm trước, củng cố thêm cán cân thanh toán.