Phân tích và nhận định xu hướng của các loại hàng hóa quan trọng và được cộng đồng đầu tư quan tâm, các phân tích dưới đây có thể phục vụ cho mục đích tham khảo trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Giá dầu: Test trendline kháng cự dài hạn
Hiện tại, ở đồ thị khung ngày, giá dầu liên tục xuất hiện những đỉnh và đáy mới cao hơn (Higher High, Higher Low) trong ngắn hạn sau khi tín hiệu giao cắt vàng (Golden Cross) giữa đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày xuất hiện, càng làm gia tăng sự tích cực trong dài hạn.
Bên cạnh đó, giá tiếp tục hướng đến gần cạnh trên của kênh giá tăng (Bullish Price Channel) sau khi vượt thành công ngưỡng Fibonacci Projection 78.6% (tương đương vùng 80 – 81 USD/thùng). Đây sẽ là vùng hỗ trợ ngắn hạn trong thời gian tới của giá dầu.
Giá dầu WTI trong giai đoạn 2022 – 2024 – Nguồn: TradingView
Ở một góc nhìn toàn cảnh hơn, trong khung đồ thị tuần, tình hình tiếp tục lạc quan. Có thể thấy giá dầu đã test lại vùng hỗ trợ mạnh dài hạn 62 – 72 USD/thùng (trùng với ngưỡng Fibonacci Projection 38.2%) và bật tăng trở lại như đã nhận định trong Báo cáo Hàng hóa quý 1/2024 (Kỳ 1).
Thêm vào đó, chỉ báo MACD tiếp tục hướng đi lên, sau khi cho tín hiệu mua và đã vượt mức 0 nên triển vọng tích cực trong trung hạn sẽ được củng cố thêm.
Tuy nhiên, diễn biến giằng co đã xuất hiện khi giá dầu chạm đường trendline kháng cự dài hạn (tương đương vùng 82 – 85 USD/thùng) trong khi chỉ báo Stochastic Oscillator đang tiến đến gần vùng quá mua (overbought). Do đó, khả năng cao trong ngắn hạn tình trạng giằng co sẽ xảy ra tại đây khi chỉ báo tiến vào vùng quá mua trong thời gian tới.
Giá dầu WTI trong giai đoạn 2019 – 2024 – Nguồn: TradingView
Như vậy, người viết dự kiến giá dầu tiếp tục duy trì triển vọng lạc quan trong dài hạn khi phá vỡ (breakout) thành công đường trendline kháng cự quan trọng và mở ra một chu kỳ tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc kiểm tra lực cung tại đây sẽ dẫn đến những nhịp rung lắc trong ngắn hạn.
Sugar: Diễn biến giằng co biên độ rộng
Ở khung đồ thị tuần, sau khi phá vỡ xuống (break down) cạnh dưới kênh giá tăng (Bullish Price Channel) – kênh này hình thành kể từ tháng 10/2020 khi giá phá vỡ (breakout) trendline giảm dài hạn trước đó – giá đường đang pullback và test lại cạnh này. Đây là lần break down thứ 2 sau lần phá vỡ xuống không thành công (fail break down) trước đó vào tháng 12/2023, cho thấy xu hướng tăng hiện tại bắt đầu có sự suy yếu đáng kể trong đợt điều chỉnh này.
Bên cạnh đó, giá đường liên tục nằm dưới Middle trong khi Bollinger Bands đang thu hẹp khoảng cách, đồng thời chỉ báo ADX đang vận động trong vùng xám (20 < ADX < 25) nên khả năng cao sẽ duy trì trạng thái giằng co biên độ rộng trong vùng giá 20.1 – 24.6 USX/lb trong thời gian tới.
(*) Chú thích: 1 UScents/lb ≈ 22.046 USD/tấn; trong đó, 100 UScents = 1 USD và 1 tấn ≈ 2,204.623 lb.
Giá đường trong giai đoạn 2008 – 2024 – Nguồn: TradingView
Quan sát chi tiết hơn ở khung đồ thị ngày, giá đường phục hồi ngắn hạn và hướng về gần đường SMA 50 ngày sau khi liên tục xuất hiện giao cắt tử thần (Death Cross) giữa đường SMA này với SMA 100 ngày và SMA 200 ngày, cho thấy triển vọng lạc quan trong trung hạn vẫn chưa thể quay lại sớm.
Mặt khác, giá đường đang test lại vùng kháng cự/hỗ trợ quan trọng (tương đương vùng 18.75 – 21.5 UScents/lb) trong khi chỉ báo MACD đã cho tín hiệu mua trở lại và đang hướng đi lên nên xu hướng phục hồi trong ngắn hạn được củng cố thêm.
Giá đường trong giai đoạn 2020-2024 – Nguồn: TradingView
Tóm lại, triển vọng trong trung hạn sẽ còn nhiều diễn biến giằng co khá phức tạp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ưa thích giao dịch trong vùng giá đi ngang biên độ rộng có thể tận dụng nhịp phục hồi ngắn hạn hiện tại để có điểm mua bán hợp lý.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock