Trung Quốc cũng mạnh tay săn lùng mặt hàng này của Việt Nam dù xuất khẩu đứng đầu thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 2 đã thu về hơn 1,17 tỷ USD, giảm 40,3% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, giày dép các loại đã thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Mặt hàng giày dép là một trong những ‘kho bạc’ tỷ đô của Việt Nam trong nhiều năm qua, là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 của nước ta trong 2 tháng đầu năm. Kết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022.
Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong ‘câu lạc bộ’ tỷ USD và nằm trong nhóm có kim ngạch cao. Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc.
Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Trong 2 tháng đầu năm, mặc dù kim ngạch sụt giảm so với tháng trước nhưng điểm sáng của ngành giày dép là các thị trường xuất khẩu chính đều tăng nhập khẩu với mức tăng trưởng trên 10%. Cụ thể 2T/2024, nước ta xuất khẩu giày dép nhiều nhất sang thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời chiếm tỷ trọng 35%.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với hơn 318 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Bỉ là thị trường lớn thứ 3 của giày dép Việt Nam với hơn 191 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đến năm 2025 đạt 27 – 28 tỷ USD và đạt 38 – 39 tỷ USD vào năm 2030. Xuất khẩu giày dép của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 10 – 12%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026. Nước ta cũng được đánh giá là thị trường uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giầy, đặc biệt là giầy thể thao theo các nhãn hàng lớn.
Một xu hướng mới đang được quan tâm mạnh mẽ trên thị trường giày dép toàn cầu đó chính là giày dép thân thiện với môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm bền vững. Các sản phẩm giày dép cũng không nằm ngoài xu hướng. Hàng loạt các thương hiệu lớn đang tích cực đầu tư vào trào lưu bền vững, góp phần thúc đẩy hứng thú mua sắm của người tiêu dùng. Giày, dép làm bằng vật liệu tái chế và tự nhiên ngày càng trở nên phổ biến.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, trong năm 2024, Bộ Công thương sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt là với những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh; điển hình như Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024); Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024….; đồng thời tiếp tục đổi mới và triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Như Quỳnh