47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, chiếm 4.5% dư nợ toàn nền kinh tế

47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, chiếm 4.5% dư nợ toàn nền kinh tế

Đến ngày 31/03/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với giá trị 636,964 tỷ đồng, chiếm khoảng 4.5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại sự kiện chiều 22/05/2024.

Thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam được tổ chức chiều 22/05/2024.

Việt Nam tích cực tham gia cam kết chuyển đổi xanh

Ông Đào Minh Tú nhận định thực hành ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Phó Thống đốc NHNN chia sẻ tại Hội nghị COP27, trong gần 150 nước cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero, Việt Nam là một trong những nước đã có hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo nhà điều hành tiền tệ nói thêm, là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG), góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát bởi 4 yếu tố.

Bốn yếu tố gồm sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội; nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG; cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD; và khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế.

NHNN cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Thông tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; định hướng các TCTD phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…

47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh

Ông Đào Minh Tú cho biết giai đoạn 2014-2020 và theo dõi từ năm 2021 đến nay, các TCTD đã có sự thay đổi về nhận thức hướng tới hoạt động bền vững. Nhiều TCTD trên cơ sở quy định của NHNN đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến ngày 31/03/2024, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với giá trị 636,964 tỷ đồng, chiếm khoảng 4.5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2.9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

“Về phía NHNN, chúng tôi hiểu rằng thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vừa đòi hỏi phải khẩn trương, quyết liệt từ nhận thức tới hành động, vừa phải từng bước hoàn thiện các chính sách, cơ chế về tiền tệ tín dụng cho quá trình tổ chức triển khai của các TCTD”, ông Tú khẳng định.

Sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022.

NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.

Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.

Cát Lam

FILI

[ad_2]
Nguồn VietStock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *